Ninh Bình: Phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm nghèo bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 22:55, 29/11/2022

(TN&MT) - Những tưởng cây bèo tây (lục bình) chỉ để làm thức ăn cho động vật hoặc bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo của những người nông dân huyện miền biển Kim Sơn (Ninh Bình) lại trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường rất được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao và góp phần giảm nghèo bền vững.

Hướng đi mới…

Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) vốn là cái nôi của nghề đan lát tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nôi tiếng. Trong đó, nghề đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng thân cây bèo tây chỉ mới xuất hiện ở huyện Kim Sơn khoảng hơn 10 năm nay. Khi nghề dệt chiếu cói dần mai một thì nghề đan bèo tây đang là hướng đi mới để người dân duy trì nghề truyền thống đan lát hàng trăm năm này, từng bước thoát nghèo.

Bèo tây là cây mọc tự nhiên, có rất nhiều và phát triển rất nhanh ở vùng đất ven biển Kim Sơn. Không như cây cói, loại cây này không tốn công trồng hay chăm sóc vất vả mà chủ yếu là khai thác ở các sông, các kênh, mương về để làm nguyên liệu. Thân bèo tây trưởng thành có chiều dài từ 50 – 70 cm, được cắt rễ, lá, sau đó phơi khô dưới nắng tự nhiên, không hề hấp, sấy bằng hóa chất công nghiệp.

anh-1.jpg
Nghề đan bèo tây đã và đang góp phần ổn định cuộc sống cho người dân Kim Sơn

Bèo tây khô 15 – 20.000 đồng/kg, chủ yếu là người dân tự đi vớt bèo về phôi khô lấy nguyên liệu chứ không đi mua vì như vậy thu nhập chẳng được bao nhiêu. Những gia đình không có nguyên liệu thì phải nhận nguyên liệu từ các đại lý thu mua, sau đó đem về đan và chỉ được tính tiền công. Những người đan bèo tây có kinh nghiệm cho hay, ngày nông nhàn họ cũng đan được 10 – 15 sản phẩm tùy loại, trừ chi phí thì cũng được 200 – 500.000 đồng.

Khởi nghiệp với nghề làm đồ thủ công – mỹ nghệ từ bèo tây, anh Trần Văn Đương có có sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Quang Thiện (Kim Sơn) cho biết, có nhiều hình thức đan sản phẩm lục bình, đó là đan thảm lục bình, đan khung hoặc đan kết hợp họa tiết với cói. Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản với ba kiểu đan cơ bản là đan hạt gạo, đan xương cá và đan rối, mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩn khác nhau.

Trong nghệ thuật chế tác sản phẩm từ bèo tây, có một nguyên tắc căn bản đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan. Ngoài ra, để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn với khách hàng thì người ta thường sử dụng vật liệu trang trí mang tính thiên nhiên như hoa cỏ khô, các loại dây thừng…

anh-2(1).jpg
Những sản phẩm thủ công từ bèo tây rất được ưa chuộng tại thị trường Châu Âu và Nhật Bản

Theo anh Đương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo tây như: Làn, giỏ, bình hoa, khay đựng, thậm chí là bàn ghế, salon… với mẫu mã đa dạng, sản phẩm bền đẹp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Mặc dù cơ sở sản xuất nhỏ, xưởng nằm trong khuôn viên gia đình nhưng đơn hàng của anh xuất đi ổn định. Các mặt hàng anh sản xuất có mặt tại Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu…

Chị Hằng, một chủ đại lý thu mua hàng thủ công mỹ nghệ ở huyện Kim Sơn cho biết: Các sản phẩm này chủ yếu được xuất đi các nước Châu Âu và Nhật Bản, đây là hai thị trường rất khó tính nhưng lại rất ưa chuộng mặt hàng này vì có tính thẩm mỹ, độ bền cao, sản phẩm sinh động mà đặc biệt là rất thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến khâu chế biến, rất dễ phân hủy khi không còn sử dụng, không phương hại đến môi trường nên được người dân nước bạn cực kỳ ưa chuộng.

... giúp thoát nghèo bền vững

Theo báo cáo của UBND huyện Kim Sơn, toàn huyện có hơn 55.816 hộ với 25 xã, thị trấn. Trong đó, có 5 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 11,71% (5.941 hộ) năm 2015, đến năm 2020 còn 2,80% (1.562 hộ). Cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cho hiệu quả cao, Kim Tân khuyến khích phát triển các ngành nghề như nghề mộc, thủ công mỹ nghệ, đan lát, bèo bồng.

Nghề đan lát thủ công mỹ nghệ bèo tây đã giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, không chỉ tăng thêm thu nhập, giúp bà con Kim Sơn giảm nghèo bền vững mà đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Anh Đương cho hay, từ ngày mở công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ, đời sống gia đình anh khá dần lên, có điều kiện mua các thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, xe máy… Với doanh thu 20 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi các khoản trả nợ, nguyên liệu, nhân công, điện nước, thuế… thu nhập của gia đình cũng thuộc diện khá ở địa phương.

Lãnh đạo UBND xã Quang Thiện (Kim Sơn) cho biết, cơ sở của anh Đương tuy không lớn nhưng giải quyết giúp địa phương một lượng lao động nhất định. Mỗi lao động có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng. Điều này góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của xã cũng như toàn huyện Kim Sơn.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Kim Sơn đặt mục tiêu sẽ giảm 2/3 số hộ nghèo so với giai đoạn. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung tổng kết, đánh giá những hạn chế nhằm rút ra bài học lớn vận dụng cho giai đoạn mới với những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững."

Tuyết Chinh