Thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:13, 29/11/2022

(TN&MT) - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc chủ trì, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Diễn đàn hợp tác tăng trưởng xanh Việt Nam – Hàn Quốc.

Diễn đàn được tổ chức nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, giúp nâng cao hiểu biết về thoả thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa hai quốc gia, đề xuất các giải pháp và lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác trong tương lai để hướng tới tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lee Jongseob – Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương cho biết: Hiện nay, các thảm hoạ đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới do biến đổi khí hậu. Để ứng phó vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam đã tuyên bố tiến đến thực hiện trung hoà cácbon vào năm 2050, đồng thời thực hiện các nỗ lực về tăng trưởng xanh và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2021, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký thoả thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký thoả thuận song phương về vấn đề toàn cầu này.

09467f56f04f2911705e.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Ông Kim Doheon – Trưởng ban Chính sách đầu tư nước ngoài (Bộ Thương mai, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc) chia sẻ thêm: Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sau 30 năm đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Hai quốc gia đang là những đối tác quan trọng của nhau trong lĩnh vực thương mại. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang hợp tác chặt chẽ và trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ông Kim Doheon mong muốn, trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên tiếp tục được thắt chặt, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển bền vững kinh tế xã hội, tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam và Hàn Quốc

Tại Diễn đàn, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã trình bày và thảo luận về các chính sách mới về ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam; dịch chuyển năng lượng và giảm phát thải cácbon tại Việt nam; cơ hội cho kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh phát triển xanh của Việt Nam; thực trạng phát triển và tương lai điện hạt nhân tại Việt Nam; thực trạng và giải pháp cho mua bán điện FIT tại Việt Nam;…

Chia sẻ một vài chính sách mới về ứng phó biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Quyết định 896/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng xác định các biện pháp chiến lược để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Trong đó, cơ sở phải thực hiện kiểm kê và giảm thiểu khí nhà kính với mức phát thải hàng năm từ 3000 tấn CO2 hiện nay sẽ giảm xuống 2000 tấn vào năm 2030, xuống 200 tấn vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030 so với năm 2020.

phat-trien-ben-vung2_942b6.jpg
Giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh đang là xu hướng chung toàn cầu

Sau khi trao đổi, thảo luận, các đại biểu quốc tế đề xuất, trong giảm phát thải cácbon, Việt Nam cần đẩy mạnh tốc độ triển khai của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi; hoàn thiện Quy hoạch điện 8 phù hợp với các cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng lưới điện; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong phát triển điện hạt nhân, các chuyên gia cho rằng điện hạt nhân là giải pháp tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng bởi nó phát thải khí CO2 ít nhất và có nguồn điện công suất lớn, ổn định. Điện hạt nhân đang trở nên quan trọng và sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần sớm có chủ trương để chuẩn bị tốt cho việc quay lại chương trình điện hạt nhân, đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Hoàng Ngân