Cần hành động... tức thì
Xã hội - Ngày đăng : 09:37, 29/11/2022
Chỉ tính riêng ba quý năm 2022, cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên - ENV đã ghi nhận 2.600 vụ việc vi phạm về ĐVHD, trong đó, chiếm tới 52% là các vụ việc vi phạm trên Internet với 1.326 vụ.
ENV cho hay, một số nền tảng mạng xã hội thường ghi nhận các vi phạm như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok. Lợi dụng sự thuận tiện của Internet dễ dàng chào hàng, thỏa thuận mua bán với khách hàng, sử dụng được nhiều tài khoản ảo ẩn danh gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD, trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn, việc buôn bán các sản phẩm trên mạng Internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu. Mặc dù, hầu hết các đối tượng đều nhận thức được sản phẩm mình đang rao bán là hàng cấm nhưng lợi nhuận cao cùng mức độ rủi ro thấp đã thúc đẩy các đối tượng xâm hại đến các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm để thu lợi bất chính.
Đáng nói, trong vòng hơn thập kỷ qua, chúng ta đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ ĐVHD ở Việt Nam, nhưng con số 52% là các vụ việc vi phạm trên internet cho thấy thực trạng đáng lo ngại. Với nền tảng kinh doanh trên mạng “miễn phí”, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, các nền tảng mạnh xã hội đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt, ở đó, người mua chỉ cần đặt yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản của kẻ bán và kẻ bán có thể vận chuyển những sản phẩm này qua đường bưu điện, hoặc thậm chí, sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh.
Hiện, có rất nhiều phần mềm mạng xã hội khác và các website cũng như các diễn đàn điện tử đều có thể quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD. Đây là một trong những thách thức đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và kiểm soát nạn buôn bán ĐVHD.
Tiêu thụ động vật hoang dã sẽ kích thích nguồn cầu và tăng nguồn cung. Những người tù tội vì săn bắt, vận chuyển và mua bán trái phép vẫn liên tục xảy ra. Cuộc chiến giữa người săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã và lực lượng chức năng vẫn diễn ra khi chúng ta tiếp tục tiêu thụ động vật hoang dã. Cuộc chiến đẩy hai bên rơi vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình truy đuổi và gây nguy hiểm cho cả người dân. Bao cán bộ kiểm lâm bị thương và thậm chí, thiệt mạng hàng năm vì những kẻ săn bắn trộm..
Săn bắt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Buôn bán các sản phẩm từ các loài hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào cũng là phạm pháp. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt và chúng cần sự quan tâm, hành động tức thì của mỗi con người.
Liệu khi biết được những sự thật này, chúng ta có thay đổi được suy nghĩ bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng là trách nhiệm của chính mình? Những hậu họa nhãn tiền vẫn xảy ra hàng năm, có làm cho chúng ta quyết định nói không với thịt và các sản phẩm từ thú rừng, nói không với “tội ác" từ việc lựa chọn ăn uống, tiêu dùng của chính bản thân?