Doanh nghiệp cần đón đầu, đi đầu trong đổi mới công nghệ hướng tới mục tiêu Net zero
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:27, 28/11/2022
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: BĐKH diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội và phát triển bền vững. Chúng ta có thể mất hết do biến đổi nếu nhiệt độ không ngừng tăng lên, nồng độ khí nhà ký không được kiểm soát. “Thế giới đã khai thác trái đất với tốc độ quá tham lam, phải 4 trái đất mới cung cấp đủ nguyên liệu hóa thạch cho nhu cầu con người” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảnh báo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta không nên quá bi quan mà công việc phía trước sẽ là rất nhiều. Những gì đã lấy của trái đất, đối xử không đúng thì chúng ta phải đền lại. Chúng ta phải thay đổi và định hướng. Quan trọng nhất là thay đổi thế nào và làm gì để thay đổi.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, Việt Nam có một khối lượng tài nguyên rất lớn mà chưa đánh giá được hết. Đó là tài nguyên năng lượng tái tạo, điện nhiệt trong lòng đất, sóng biển, điện gió, điện mặt trời... Riêng điện gió có thể cung cấp 600kW, tức là gấp 8 lần nhu cầu của Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hay nói cách khác là tiến tới nền kinh tế cacbon thấp, tiến tới zeco vào năm 2050. Muốn làm được điều này thì phải tiến tới công nghệ tích trữ năng lượng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, từ đó có thể lọai trừ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Muốn làm được điều đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì yếu tố đặc biệt quan trọng là phải có sự tham gia của doanh nghiệp, phải cần có công nghệ. Vấn đề đặt ra là làm sao doanh nghiệp tham gia được với Chính phủ, làm thế nào để hợp lực. Muốn làm được điều đó thì các chính phủ, doanh nghiệp cùng quan tâm có những đóng góp tài chính, cơ chế tập trung trí tuệ để sớm nghiên cứu các công nghệ cốt lõi… Chỉ khi doanh nghiệp với cách tiếp cận từ vấn đề trí thức mới có thể thay đổi được.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Lan là mẫu hình ứng phó với BĐKH của thế giới và Việt Nam. Khoảng 100 trăm năm trước, Hà Lan đã tìm ra giải pháp sống chung với BĐKH vì 1/3 diện tích lãnh thổ dưới mực nước biển. Đó chính là giải pháp “thuận thiên”, tránh tác động đến thiên nhiên, kinh tế phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái. Trong thời gian qua, Việt Nam và Hà Lan đã và đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
“Hà Lan, Việt Nam và tất cả các quốc gia cần hợp lực để nghiên cứu, chia sẻ công nghệ. Bài học về câu chuyện đối phó với đại dịch Covid -19, cả thế giới cùng nhau nỗ lực nghiên cứu công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị và sau đó là chia sẻ cho tất cả các nước, cùng nhau vượt qua đại dịch. Khi cả thế giới an toàn thì trước tiên mỗi quốc gia phải an toàn. Đối với vấn đề BĐKH, chỉ khi tất cả các nước đều hành động thì mới đạt được mục tiêu Net Zero. Chỉ khi có công nghệ chung của thế giới mới chuyển từ một nền kinh tế dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế trí thức” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra những ưu tiên và chính sách hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp kịp thời trong việc nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp cần đón đầu và đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, từ đó giúp cho các thỏa thuận toàn cầu về BĐKH nhanh chóng về đích.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận các chủ đề như: Các giải pháp và công nghệ đổi mới hướng tới tăng trưởng kinh tế các- bon thấp và chuyển đổi năng lượng; Hợp tác công – tư để thúc đẩy phát triển kiến thức và áp dụng trên quy mô lớn các giải pháp sáng tạo với nhiều lợi ích cho thích ứng với BĐKH; Chuyển dịch năng lượng, năng lượng gió ngoài khơi; Tài chính cho giảm thiểu BĐKH…