Đẩy mạnh công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:27, 25/11/2022
Mục đích của Hội nghị là hướng dẫn, đẩy mạnh nắm bắt thực trạng, khắc phục tồn tại về quản lý, chuyên môn kỹ thuật của công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường; gắn kết, đồng bộ công tác dịch vụ công trực tuyến; công tác thu thập, xây dựng, quản lý, tích hợp, công bố, cung cấp dữ liệu; kết nối liên thông, tổng hợp thông tin, dữ liệu của Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương năm 2021- 2022 và tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn trong các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành thực hiện chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số, đóng góp vào chuyển đổi số quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Hội nghị này nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được, các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần khắc phục; phổ biến, hướng dẫn về các chính sách, quy định kỹ thuật; nâng cao nhận thức, thúc đẩy về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và xác định yêu cầu đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện chuyển đổi số.
Để đạt được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu tập trung các nhiệm vụ chủ chốt: Đẩy mạnh tập trung hoàn thiện, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin cho chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp các tiện tích cho xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế. Cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho giải quyết thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp. Nâng cấp hạ tầng số, sử dụng các nền tảng số dùng chung đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; rà soát, đánh giá, bảo đảm an toàn thông tin các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lột lọt thông tin. Quyết liệt, bố trí các nguồn lực thực hiện các đề án, nhiệm vụ về chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ: Tôi mong muốn lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày, hướng dẫn, giải đáp cụ thể để các địa phương thực hiện. Thông qua Hội nghị, các đại biểu chủ động trao đổi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, giải đáp, hướng dẫn chi tiết hơn về chính sách, quy định kỹ thuật để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng, chia sẻ và liên thông cơ sở dữ liệu tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới trong toàn ngành tài nguyên và môi trường.
Nhiều tham luận của các đại biểu đến từ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường, Cục quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Cục C06 – Bộ Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường, Cục Đo đạc bản đồ và TTDL Việt Nam được trình bày tại Hội nghị với các nội dung: Đẩy mạnh hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; Giới thiệu về chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành, địa phương, phát triển Chính phủ số, Chính quyền số; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giải pháp thực hiện; Triển khai dịch vụ công trực tuyến tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; Đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu tài nguyên và Môi trường;
Dự thảo thông tư quy định về quản lý, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; Trển khai hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên nước quốc gia; Giới thiệu nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh; Triển khai Quyết định số 06, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030;
Giới thiệu kinh nghiệm hoạt động của Trung tâm CNTT tài nguyên và môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng; Giới thiệu triển khai về cơ sở dữ liệu, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; Triển khai xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Giới thiệu giải pháp công nghệ của Tập đoàn Dell; Giới thiệu giải pháp công nghệ của Tập đoàn Fujitsu; Giới thiệu các giải pháp quản lý tài sản số, công nghệ Blockchain.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có các hoạt động: Trao đổi tình hình, kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử tại các Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vi trực thuộc Bộ và Tọa đàm về thực trạng, vướng mắc, phương hướng giải quyết trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường.