Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và thích ứng với BĐKH

Trong nước - Ngày đăng : 15:40, 25/11/2022

(TN&MT) - Phát biểu tại Lễ Ký kết và triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tin tưởng, trong giai đoạn 2022-2026, sự phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH sẽ đạt được những kết quả tốt hơn và nhiều hơn nữa so với giai đoạn trước.

Ngày 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Ký kết và triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của 43 chức sắc các tôn giáo, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.

small_doan-chu-tich.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” năm 2015, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020, với 5 nội dung và 7 nhiệm vụ, giải pháp. Qua hơn 6 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản trong nhận thức và hành động trong công tác BVMT, phát triển bền vững.

Ðến nay, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, cả nước đã có hàng nghìn mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: Mô hình “Xử lý rác thải, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ; Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp; Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; Phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, cơ sở tôn giáo; Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự.

small_ttr-nhan.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị

“Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức… đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, môi trường, BĐKH là những vấn đề toàn cầu, là thách thức sống còn đối với Trái đất, đối với nhân loại, đối với sự phát triển bền vững. Trong đó, có vấn đề các nguồn ô nhiễm gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm; ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; lượng chất thải rắn (CTR), chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế; ô nhiễm, suy thoái đất tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật…

small_ttr-nhan-1.jpg
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cả nước đã có hàng ngàn mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai

Thông báo với chức sắc các tôn giáo, các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, để giải quyết những vấn đề đặt ra trên, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để thực hiện được các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải quyết thực tiễn trong nước, quốc tế đặt ra đối với vấn đề BVMT, ứng phó với BĐKH nên trên, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, trong đó, không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo.

Vì vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 tiếp tục được ký kết và cùng nhau triển khai là rất quan trọng và cần thiết.

small_tang-qua.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực tặng quà cho các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo và chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy cùng nhau có những hành động thiết thực, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo. Các tôn giáo cần lồng ghép xây dựng chương trình hành động để nâng cao nếp sống, văn hóa bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Đồng thời, cần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng dân cư.

“Tôi cũng trân trọng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự. Cần hỗ trợ các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường. “ – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

small_ngo-sach-thuc.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) với cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể các cấp, các tổ chức và cá nhân tôn giáo ngày càng chặt chẽ; cách thức triển khai Chương trình phối hợp có nhiều sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo, đặc điểm tình hình các địa phương và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Các tôn giáo đã xây dựng được hàng nghìn mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể, có nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều nội dung của Chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo.

small_ky-ket1.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 43 chức sắc các tôn giáo đã ký kết Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.
small_ky-ket.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 43 chức sắc các tôn giáo đã ký kết Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.

Thông qua thực hiện Chương trình đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, khẳng định đường hướng đúng đắn, sống “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đóng góp thêm nhiều nội dung, sáng kiến để trong giai đoạn mới, sự phối hợp giữa sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) với cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể các cấp, các tổ chức và cá nhân tôn giáo ngày càng chặt chẽ đồng thời phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 43 chức sắc các tôn giáo đã ký kết Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.

small_ttr-tang-qua.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tặng quà cho các đại biểu tham dự

Theo đó, Chương trình phối hợp sẽ hướng đến các mục tiêu: Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.

Phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời mái nhà, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả.

small_toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đều biết đến và tích cực hưởng ứng Chương trình phối hợp.

63/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung Chương trình/Kế hoạch phối hợp với các tổ chức tôn giáo phù hợp với mục tiêu, nội dung của Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2026 và thực tiễn ở mỗi địa phương, mỗi tôn giáo.

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng tới cuộc sống xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường. Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Ngay sau Lễ Ký kết chương trình, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2022-2026, sự phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, nhiều hơn nữa so với giai đoạn trước, góp phần làm cho đất nước ta nói riêng và ngôi nhà chung - Trái đất của chúng ta mãi tươi xanh – hạnh phúc – an lành.

Khương Trung