Người dân Kon Tum hưởng lợi ích kép từ chính sách chi trả DVMTR
Tài nguyên - Ngày đăng : 09:46, 24/11/2022
Sở hữu diện tích rừng lớn, với độ che phủ của rừng lên trên 63,12% (năm 2021), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt được tỉnh Kon Tum chú trọng. Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai thực hiện cùng với sự góp sức của chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị chủ rừng và người dân. Trong đó, chính sách chi trả DVMTR do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện hơn 10 năm nay đã được các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị chủ rừng và người dân đón nhận, đồng tình và tích cực hưởng ứng.
Bằng việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ và chi trả tiền DVMTR tương ứng với diện tích cung ứng DVMTR được bảo vệ, chất lượng rừng đã giao, chính sách chi trả DVMTR đã và đang thể hiện rõ nét những lợi ích trong việc phát triển rừng bền vững và tạo công ăn, việc làm, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho người dân tham gia làm nghề rừng.
Đến nay, người dân tham gia chính sách chi trả DVMTR rất ý thức về trách nhiệm của mình đối với rừng. Cộng đồng thôn 2, xã Hòa Bình (TP. Kon Tum) được giao 253ha đất lâm nghiệp, trong đó có 108,33ha rừng cung ứng DVMTR. Ông Trần Ngọc Quý - Trưởng thôn 2 cho biết, sau khi họp dân và thống nhất, thôn đã thành lập 2 Tổ bảo vệ rừng, mỗi Tổ có 6 người, luân phiên tuần tra rừng 15 ngày/tổ. Như vậy, cả thôn chỉ có 12 hộ gia đình trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, các hộ còn lại không tham gia, nhưng thường xuyên được tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ rừng trong các cuộc họp thôn.
“Năm 2021, thôn nhận được 77 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền này được chi cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng; phụ cấp cho Ban quản lý rừng; phòng chống cháy rừng. Từ năm 2019, khi rừng được giao cho thôn quản lý, rừng được bảo vệ ổn định, không bị tác động, ý thức người dân được nâng cao. Những năm tiếp theo, Ban quản lý rừng thôn 2 có kế hoạch trích một phần tiền DVMTR để trồng rừng trên diện tích đất đã được giao, phát triển diện tích rừng được hưởng tiền DVMTR”, ông Quý cho hay.
Tương tự, hộ gia đình ông A Sóc (thôn 13, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) được Nhà nước giao đất giao rừng quản lý, bảo vệ 9,6 ha rừng cung ứng DVMTR với số tiền DVMTR năm 2021 là 9,6 triệu đồng. Đây là nguồn tiền ổn định, giúp kinh tế gia đình ông A Sóc ngày càng phát triển. Ngoài ra, A Sóc còn tham gia cùng cộng đồng thôn Kon Pao Kơ La (xã Đăk Pxi) quản lý, bảo vệ rừng giao cho cộng đồng.
Ông A Sóc phấn khởi chia sẻ: “Nhà mình được hưởng lợi từ rừng rất nhiều, ngoài tiền DVMTR để đầu tư chăn nuôi, mình còn thu được lâm sản phụ dưới tán rừng để tăng thu nhập. Cuộc sống gia đình đã tốt hơn trước, có cái ăn, cái mặc và thoát nghèo bền vững. Nên mình sẽ bảo vệ rừng thật tốt để tiếp tục được hưởng lợi nhiều hơn từ rừng”.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 27/5/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện chi trả hơn 307.625,75 triệu đồng tiền DVMTR cho 31 chủ rừng là tổ chức; 76 UBND xã, thị trấn; 3.335 hộ gia đình, cá nhân và 62 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng; góp phần bảo vệ khoảng 378.272,94ha rừng cung ứng DVMTR.
Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum - đơn vị thực thi chính sách chi trả DVMTR nhận định: “Được hưởng lợi từ rừng nên các chủ rừng, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn rất tự giác, tự nguyện tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đời sống người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, cải thiện bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; đóng góp một phần trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.