Phú Yên: Tuy An - Miền di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 22:51, 23/11/2022
Tuy An là địa danh có từ năm 1611 khi tỉnh Phú Yên được hình thành trong chiều dài lịch sử mở rộng bờ cõi về phương Nam của triều Nguyễn. Huyện Tuy An ngày nay cách thành phố Tuy Hòa (trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên) 30km về phía Bắc. Huyện Tuy An hiện có danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa; 9 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng quốc gia và có trên 25 di tích, danh thắng cấp tỉnh.
Nét đặc sắc trong di sản văn hóa ở huyện Tuy An là còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, phong phú về loại hình; đa dạng về chủng loại. Đồng thời miền đất Tuy An còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hoá phi vật thể với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội và làng nghề truyền thống.
Di tích khảo cổ thời tiền-sơ sử, thành cổ, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, lăng, lẫm, miếu, những di vật, cổ vật, những công cụ, nhạc cụ. Tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Tuy An có niên đại cách ngày nay trên 2.500 năm được xem là báu vật quốc gia; lễ hội cầu ngư, lễ hội đua ngựa; làng nghề bánh tráng.
Hội thảo nhận được hơn 30 bài viết, tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn với các nhóm vấn đề như: Nhận diện di sản; bảo tồn di sản; di sản văn hóa ở Tuy An gắn với phát triển du lịch. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản trên địa bàn huyện Tuy An nói riêng và của tỉnh Phú Yên nói chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tuy An cần nhận thức sâu sắc về vai trò của di sản văn hóa; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của huyện, trở thành ý thức và hành động của cả hệ thống chính trị.
Để làm được điều đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo yêu cầu chính quyền địa phương cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cộng đồng, của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa và gắn chặt di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đồng thời lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo hướng bền vững; huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa.