Lào Cai chú trọng phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:27, 22/11/2022
Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, công tác quản lý BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Sở TN&MT Lào Cai triển khai như thế nào?
Ông Hồ Cao Khải: Lào Cai là tỉnh có tài nguyên khá phong phú và đa dạng với trên 35 loại khoáng sản khác nhau phân bố trên 150 điểm mỏ, trong đó có nhiều mỏ khoáng sản quy mô lớn, giá trị cao như: đồng, sắt, apatit…
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư khai thác một cách hợp lý, hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành điểm sáng của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được, Lào Cai cũng đã và đang chịu nhiều áp lực đến môi trường và xã hội, hoạt động khai thác có nguy cơ tiềm ẩn tác động lớn đến môi trường hiện tại cũng như lâu dài.
Vì vậy, để phát triển bền vững, khai thác, chế biến khoáng sản gắn với BVMT, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sống và lao động sản xuất của nhân dân, nhất là vùng có mỏ khoáng sản được khai thác, công tác quản lý, BVMT đã được Sở TN&MT đặc biệt quan tâm thực hiện.
Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản, trong công tác quản lý, ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, Sở đã chú trọng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, hạ tầng về BVMT và các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, công tác quản lý được quan tâm bằng nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tham mưu UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chỉ thị về công tác BVMT; ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn triển khai thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại, triển khai thực hiện việc cấp Giấy phép môi trường.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Kiểm tra việc lắp đặt trạm cân, camera đối với các mỏ khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật. Phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai kiểm tra công tác an toàn đập hồ thải...
Đặc biệt, yêu cầu các tổ chức, cá nhân (chủ mỏ) thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường đối với các khu vực, dự án đã hết hạn giấy phép khai thác. Năm 2022, Lào Cai có 15 tổ chức/cá nhân đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để triển khai thực hiện thi công các hạng mục cải tạo phục hồi môi trường và bàn giao đất cho địa phương quản lý và có 197 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền là 219 tỷ đồng.
PV: Triển khai công tác BVMT trong khai thác khoáng sản, tỉnh đã gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
Ông Hồ Cao Khải: Quá trình quản lý thực tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy còn có một số khó khăn, thách thức gặp phải trong công tác BVMT trong khai thác khoáng sản như: Cán bộ làm công tác quản lý môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn còn mỏng, cơ bản không được đào tạo chuyên môn về khoáng sản, môi trường chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôi lúc còn lúng túng, chưa kịp thời.
Một số doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thường quan tâm hơn đến vấn đề lợi nhuận mà không đầu tư cho công tác BVMT như: đầu tư các công trình xử lý chất thải: chất thải rắn, nước thải... Hoặc có đầu tư nhưng việc vận hành còn hạn chế.
Một số dự án khai thác khoáng sản nằm tại các khu vực vùng cao, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi hoặc giáp ranh các tỉnh khác, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Một số doanh nghiệp lợi dụng địa hình, ban đêm xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường.
PV: Để công tác BVMT trong khai thác khoáng sản đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai có những giải pháp và kế hoạch gì? Cũng như có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương?
Ông Hồ Cao Khải: Để công tác BVMT trong khai thác khoáng sản đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian tới, ngành TN&MT Lào Cai tiếp tục thắt chặt công tác thẩm định, yêu cầu BVMT trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường, quan tâm đến BVMT trong và sau khai thác khoáng sản.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật BVMT, đặc biệt đối với những trường hợp cố tình gây ô nhiễm hoặc những hành vi vi phạm được lặp lại nhiều lần nhưng không có biện pháp khắc phục; Kiên quyết đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, giáp ranh trong việc công tác quản lý Nhà nước về BVMT, như: kiểm soát và ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép dẫn đến nhiều hệ lụy về tai biến môi trường và xảy ra sự cố; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!