"Bức tranh tổng thể" về khoáng sản Việt Nam: Nhiều bất cập trong thực hiện mục tiêu khai thác, chế biến khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:25, 22/11/2022

(TN&MT) - Quá trình tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược số 2427), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận thấy, tình hình thực hiện các mục tiêu chiến lược còn gặp nhiều khó khăn, một số mục tiêu có thể không đạt được như kỳ vọng, đặc biệt là mục tiêu về khai thác, chế biến khoáng sản.

Mục tiêu về khai thác khoáng sản trong Chiến lược đã nêu rõ: Khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đến nay, đã có một số khu vực phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tương đối tập trung, có năng lực về công nghệ, quản trị, thu hồi được tối đa các sản phẩm có giá trị kinh tế, sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, có lợi nhuận kinh tế, xã hội như vùng than Quảng Ninh, vùng quặng đồng, sắt, apatit Lào Cai, thiếc, wolfram Thái Nguyên, thiếc, đá hoa trắng ở Lục Yên tỉnh Yên Bái, Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, một số vùng sản xuất xi măng tập trung, chế biến nguyên liệu và sản xuất vật liệu xây dựng ceramic. Các vùng này có trữ lượng, tài nguyên để phát triển công nghiệp khai khoáng bền vững. Các sản phẩm đều có chất lượng tốt, có thị trường bền vững ở trong và ngoài nước.

anh-2-danh-gia-tiem-nang-khoang-san-min.jpg

Đánh giá tiềm năng khoáng sản.

Tuy nhiên, đến nay, một số loại quặng như đất hiếm, titan, zircon, chì kẽm, vàng, cát thủy tinh, felspat, kaolin chưa được đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao.

Các mỏ khai thác với quy mô nhỏ, bán thủ công, các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường như sản xuất xi măng lò đứng, sản xuất gạch nung, khai thác, chế biến quặng titan trong cát xám, khai thác quặng vàng đã giảm bớt một phần, tuy nhiên, các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, các dự án khai thác cát xây dựng còn phổ biến ở nhiều địa phương, gây nhiều tác động xấu đến môi trường, tài nguyên đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, an toàn lao động. Mặt khác, ở nước ta, nhiều loại khoáng sản với đặc thù phân bổ quy mô nhỏ, lẻ, phân tán đã gây khó khăn trong việc hình thành các khu vực chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn do thiếu nguồn nguyên liệu tập trung. Một số khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản, nhưng hiệu quả không cao, có những khu công nghiệp chế biến titan đã đầu tư hạ tầng nhưng chưa có nhà đầu tư.

anh-4-khai-thac-quang-dong-o-mo-sin-quyen.jpg
Khai thác quặng đồng ở mỏ Sin Quyền

Ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các dự án khai thác khoáng sản khi cấp phép đã gắn với các dự án chế biến theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án không triển khai được theo tiến độ nên xảy ra tình, trạng mất cân đối cung - cầu, tồn kho cao.

Chiến lược số 2427 đề ra mục tiêu đến năm 2020, chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường, nhưng không thể hoàn thành mục tiêu này bởi việc chế biến thời gian qua gặp khó khăn, chủ yếu giá thấp, không có hiệu quả, doanh nghiệp khó khăn, sản xuất cầm chừng, không có đủ kinh phí đầu tư đổi mới công nghệ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm, theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chậm nhất đến năm 2020, các địa phương phải chấm dứt hoạt động của các loại lò sản xuất gạch nung sử dụng công nghệ lạc hậu (lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch); loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công gián đoạn và lò vôi thủ công liên hoàn trên toàn quốc.

Thực hiện Quyết định này, năm 2016, Bộ Xây dựng đã có Công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò vôi thủ công; chấm dứt hoạt động đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng không đảm bảo các điều kiện về an toàn chịu lực, an toàn vận hành và vệ sinh môi trường; khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo lộ trình đã ban hành.

Tính đến tháng 12/2020, các địa phương đều có Chỉ thị của UBND tỉnh về việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung; nhưng mới chỉ có 55/63 tỉnh có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch đất sét nung, 56/63 tỉnh lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Có khoảng 3.900 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế khoảng 26,8 tỷ viên/năm.

Đến năm 2020, việc xóa bỏ các lò vôi thủ công tại các địa phương đều không đạt yêu cầu đề ra. Cao nhất là tỉnh Ninh Bình (chỉ đạt 50%), đã xóa được toàn bộ các lò vôi thủ công, còn lại 47 lò vôi thủ công liên hoàn; tỉnh Hà Nam, tính đến hết năm 2018, xóa bỏ 14 lò trên tổng số 29 lò thủ công; TP. Uông Bí, Quảng Ninh mới xóa được 11/68 lò thủ công.

Trước thực trạng trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá, mục tiêu tái cơ cấu để chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường vào năm 2020 không hoàn thành.

Hiện tại ở Việt Nam, có khoảng 1.000 lò vôi sản xuất vôi theo phương pháp thủ công với công nghệ sản xuất gián đoạn hoặc liên hoàn, tập trung nhiều nhất ở thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang, với tổng công suất khoảng 2.000.000 tấn/năm. Các lò vôi thủ công gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các địa phương.

Lan Chi