Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Điều tra chuyên sâu, đánh giá tổng thể địa chất, khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:25, 22/11/2022

(TN&MT) - Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2011 (Chiến lược số 2427). Sau 10 năm triển khai thực hiện (2012 - 2021), phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược số 2427 đã thu được những kết quả đáng kể trong việc hình thành “bức tranh tổng thể” về địa chất khoáng sản Việt Nam đoạn mới.

Ưu tiên điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Báo cáo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tại buổi làm việc mới đây, thay mặt Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng cho biết, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản sau 10 năm (từ 2012 - 2021) thực hiện đã đạt được những kết quả đáng kể.

Theo đó, công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích phần đất liền đã hoàn thành bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích điều tra 11 nhóm tờ bản đồ với diện tích là 42.550km2, nâng tổng diện tích đã thực hiện lên 73% diện tích đất liền. Trong quá trình điều tra, đánh giá khoáng sản, đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng khoáng sản để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên. Điển hình như: quặng sắt khu vực Tân An (Yên Bái), La Ê (Quảng Nam); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Tum); đá ốp lát ở Gia Lai và nhiều nơi khác. Ngoài ra, các điều tra kết hợp về tai biến địa chất, địa chất môi trường cũng đã khoanh vùng, dự báo các khu vực trượt lở đất đá, lũ quét, sụt lún, dị thường phóng xạ…

anh-1-dieu-tra-co-ban-dcks-min.jpg

Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Trên lãnh hải, Tổng cục đã hoàn thành điều tra địa chất, khoáng sản, tai biến địa chất, địa chất môi trường vùng biển Việt Nam độ sâu từ 0 - 100m nước, tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 18.388km2, hiện đang điều tra trên diện tích 150.000km2 vùng biển Phú Khánh - Tư Chính - Vũng Mây, độ sâu từ 300 - 2.500m nước (thuộc dự án "Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrat ở các vùng biển Việt Nam”) và điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Bình Thuận - Cà Mau đến độ sâu 300m nước tỷ lệ 1:500.000 trên diện tích 116.050km2.

Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản quan trọng

Đối với công tác đánh giá tiềm năng khoáng sản, Phó Tổng cục trưởng Lại Hồng Thanh cho biết, từ năm 2013 đến năm 2020, Tổng cục đã triển khai và hoàn thành 24 đề án đánh giá khoáng sản từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp gồm các loại khoáng sản: than nâu, urani, sắt, nhôm       (bauxit), titan, chì - kẽm, đồng, thiếc, wolfram, vàng, molipden, khoáng chất công nghiệp (barit, kaolin, felspat, sét chịu lửa, barit, vermiculit, quarzit,…), đá ốp lát.

Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m (hoặc hơn) gồm: đánh giá than nâu vùng Thái Bình - Nam Định (độ sâu khoan đến 1100m); vàng Yên Sơn (đo địa vật lý đến độ sâu 1000m, khoan đến độ sâu 450m), đồng ở Bát Xát, Lào Cai (đo địa vật lý đến độ sâu 1000m, khoan đến độ sâu 300m), đồng ở Kon Rẫy, Kon Tum (đo địa vật lý đến độ sâu 1000m, khoan đến độ sâu 300m).

Trong đó, đã triển khai các đề án đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản như titan sa khoáng trong tầng cát đỏ ở Ninh Thuận - Bình Thuận - Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; bauxit, sắt laterit ở Tây Nguyên, điều tra, đánh giá tiềm năng than nâu ở đồng bằng Sông Hồng; đá hoa trắng ở Bắc Bộ, cát thủy tinh ven biển Trung Bộ, urani trong một số khu vực, bước đầu có kết quả trong điều tra phát hiện các thân quặng chì, kẽm ở phần sâu thuộc Việt Bắc.

Cụ thể, Tổng cục đã hoàn thành các đề án “Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam”; "Đánh giá triển vọng quặng thiếc và kim loại hiếm (Ta, Li, Be) vùng La Vi, tỉnh Quảng Ngãi"; Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền bể Sông Hồng (trên diện tích 265km2 khu vực Kiến Xương - Tiền Hải, Thái Bình), độ sâu điều tra đến 1.200m; Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, Nam Giang, Quảng Nam, độ sâu thăm dò đến 400m; Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng chì - kẽm, độ sâu đến 300m.

Hiện nay, Tổng cục đang triển khai các đề án: Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng miền Bắc Việt Nam; Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam; Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội (một số vùng đã điều tra đến độ sâu 450m), các khoáng sản được điều tra, đánh giá gồm: đất hiếm, sắt, mangan, đồng, nickel, thiếc, wolfram, antimon, vàng, khoáng chất công nghiệp, nước khoáng - nóng; Đánh giá tổng thể khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định. Công tác lập bản đồ địa chất - khoáng sản phần diện tích đất liền chỉ đạt khoảng 73%/90% mục tiêu đề ra; điều tra địa chất - khoáng sản biển mới đạt 42,19%; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản mới đạt 39,2%. Tổng đầu tư công tác điều tra cơ bản địa chất đáp ứng khoảng 50% yêu cầu, trong khi tổng thu từ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 200.000 tỷ đồng.

Do đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược mới thay thế Chiến lược số 2427 là cần thiết để định hướng chiến lược phát triển địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản lên một bước phát triển mới.

Mai Đan