BHXH tự nguyện đã đạt mục tiêu đến năm 2025

Xã hội - Ngày đăng : 11:24, 17/09/2022

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Xã hội, phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vượt xa chỉ tiêu năm 2021 và hiện đã đạt mục tiêu đến năm 2025 là kết quả đột phá, rất khả quan.

Ngày 16/9, Thường trực Ủy ban Xã hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021.

Vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, năm 2021, do đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, Chính phủ tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Ban hành chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng từ kết dư quỹ BHTN; chính sách đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng duy trì việc làm cho người lao động.

bhxh-3.jpg
Các đại biểu tại phiên họp 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, số người tham gia, số thu BHXH bắt buộc có tăng lên so với năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng, vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH.

“Dù chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực, quyết tâm trong việc trình Quốc hội ban hành Nghị định số 108/2021 điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/2022”, ông Hoan nêu rõ thêm.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN còn dưới mức tiềm năng, tốc độ gia tăng năm sau so với năm trước còn chậm, đặc biệt đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, đồng thời cũng gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. 

Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm còn diễn ra khá phổ biến

Cho ý kiến, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, đối tượng tham gia BHXH đã tiếp tục được mở rộng, luôn đạt kế hoạch, song đối tượng tham gia bền vững BHXH bắt buộc chưa đạt yêu cầu, dự kiến rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 2025- 2030.

Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao việc phát triển BHXH tự nguyện vượt xa chỉ tiêu năm 2021 và đạt mục tiêu đến năm 2025. Theo cơ quan này, đây là kết quả đột phá, rất khả quan, cần tổng kết kinh nghiệm, đánh giá kỹ để rút ra bài học về cách làm hay, nhân rộng cho các công tác khác.

Các đại biểu cũng cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN còn diễn ra khá phổ biến, chưa được giải quyết dứt điểm.

Năm 2021, vấn đề vướng mắc trong hồ sơ hưởng BHXH đối với người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà về cơ bản đã được tháo gỡ, song vẫn còn một bộ phận người lao động đã điều trị, cách ly do Covid-19 tại nhà nhưng chưa có giấy tờ theo đúng quy định để giải quyết hưởng BHXH.

bhxh-4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Một số ý kiến tại phiên họp nêu rõ, công tác quản lý thông tin của ngành BHXH vẫn chưa như mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách. VssID là thành tựu; thông tin dữ liệu với ngành thuế làm tốt…

Có ý kiến cho rằng, năm 2021, dù Chính phủ ban hành 2 nghị định mới nhưng vẫn chưa ban hành nghị định về bảo hiểm lao động theo hình thức tự nguyện (điểm c, khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động), đề nghị sớm ban hành văn bản này để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm lao động.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, so sánh, đối chiếu lại số liệu về tình hình chậm đóng BHXH để đảm bảo thống nhất, minh bạch, chính xác. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng cần thực sự linh hoạt, đa dạng hóa hơn nữa phương thức, hình thức, nội dung truyền thông, tận dụng không giang mạng để tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH khi năm 2021 đến với mọi đối tượng người dân.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH.

Đồng thời, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị các cơ quan này tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận, sớm hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH trong thời gian tới. 

Mai Anh