Tìm đất hiếm cho tương lai bền vững

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:27, 08/11/2022

(TN&MT) - Gần 20 năm qua, chúng tôi miệt mài đi tìm đất hiếm. Hành trình tìm kiếm nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này tuy nhiều gian lao, vất vả nhưng đã góp phần làm cho đất nước trở nên giàu mạnh hơn từ nguồn khoáng sản quý giống như tên của nó “đất hiếm”…

Sẵn sàng lao vào địa hình mạo hiểm

Vào cuối một buổi chiều đầu tháng 11, tôi nhận được cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe và công việc từ một người anh, cũng là người đồng nghiệp đã nghỉ hưu. Anh và tôi đã có hàng chục năm cùng công tác tại Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), lúc đó tôi làm việc tại Tổ đề án của Liên đoàn.

Lần nào cũng vậy, mỗi lần nhận được cuộc gọi từ anh, bao ký ức về nghề lại ùa về trong tôi. Anh hài hước hỏi tôi: “Làm người đứng đầu Liên đoàn có mệt không Huấn?”. Tôi cũng dí dỏm trả lời: “Vừa mệt vừa vui anh ạ. Mệt vì công việc quá nhiều so với hồi còn làm lính, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Nhưng vui vì được gắn bó và phát triển tại Liên đoàn trong một thời gian dài, được chứng kiến sự “thay da đổi thịt”, trải qua nhiều thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử của đơn vị”.

Và như mọi lần, tôi và anh lại cùng nhau ôn lại câu chuyện về hành trình đi tìm đất hiếm của chúng tôi và tập thể người lao động Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, cũng như những trăn trở của chúng tôi về giá trị của đất hiếm chưa được đánh giá xứng tầm với tiềm năng của chúng.

anh-1-dat-hiem-1-.jpg

Theo nhiều nghiên cứu, nước ta có tiềm năng về quặng đất hiếm

Trong hành trình đó, tôi không bao giờ quên chuyến thăm dò mỏ đất hiếm ở Nam Nậm Xe (Phong Thổ - Lai Châu) vào năm 2009. Hồi đó, chưa có cầu, nên tôi cùng đoàn phải thường xuyên lội qua suối. Khi qua suối Nậm xe, tôi bị cuốn trôi một đoạn chừng 20m khi đang vác trên vai túi ba lô khá nặng, với búa, bản đồ, thước dây và máy ảnh bên trong. Đó là tai nạn nghề nghiệp nhưng cũng là kỷ niệm tôi không thể nào quên. Sau chuyến đi đó, tôi nhận ra nghề địa chất có quá nhiều nguy hiểm, nhưng vì lòng yêu nghề, từng nghĩ suy, bữa ăn, giấc ngủ đều len lỏi câu chuyện về đất hiếm, nên tôi đã gắn bó với nghề cho đến tận bây giờ.

Sự dũng cảm vượt qua hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận với tình huống tính mạng bị đe dọa của tôi đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của Đề án thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe. Sau chuyến đi, với vai trò là Chủ nhiệm đề án, tôi đã lập Báo cáo đề án với tính thuyết phục, khả thi rất cao và khẳng định diện tích khu vực thăm dò có triển vọng về đất hiếm.

Đất hiếm còn chưa được đánh giá, chúng tôi còn đi…

Trong cuộc nói chuyện, tôi và anh cũng trầm ngâm khi thừa nhận, đã có nhiều nghiên cứu khẳng định, nước ta có tiềm năng về quặng đất hiếm. Chúng phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, gồm các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái; ở các tỉnh khác của Việt Nam, quặng đất hiếm đã được phát hiện có các tiền đề và dấu hiệu, song ít được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản.

So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng quặng đất hiếm và là một trong những quốc gia có tài nguyên, trữ lượng lớn trên thế giới. Hiệp hội Thăm dò địa chất Mỹ ước tính, trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới là 120 triệu tấn, trong đó 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga. Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm đã được ghi nhận khoảng 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, được giới khoa học đánh giá có thể đứng thứ 3 trên thế giới về tiềm năng đất hiếm.

anh-2-dat-hiem-1-.jpg

Việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác đất hiếm đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người dân ở địa phương có đất hiếm chủ động vươn lên xoá đói, giảm nghèo

Đất hiếm ở nước ta phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế của chúng. Mặt khác, khu vực này tồn tại phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, cùng với điều kiện khí hậu, địa hình và địa mạo để hình thành các vỏ phong hóa chứa đất hiếm. Đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion. Đất hiếm dạng hấp phụ ion tuy có hàm lượng thấp nhưng khai thác khá đơn giản, ít ảnh hưởng đến môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tôi và anh hồi tưởng lại hành trình kiếm tìm đất hiếm của chúng tôi bắt đầu từ năm 2010. Khi đó, chúng tôi đã cùng với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với các chuyên gia của Tập đoàn JOMEC, Nhật Bản tiến hành tìm kiếm, đánh giá quặng đất hiếm dạng hấp phụ ion ở khu vực Bến Đền (tỉnh Lào Cai). Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là khu vực có nhiều đặc điểm tương đồng về địa chất, địa mạo, khí hậu so với mỏ đất hiếm Longnan khu vực miền Nam của Trung Quốc. Do đó, có thể khẳng định khu vực Bến Đền rất có triển vọng quặng đất hiếm dạng hấp phụ ion và có thể phát triển thành mỏ.

Khai thác đất hiếm sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng cao

Đến thời điểm hiện nay, mỏ đất hiếm Bến Đền đã hoàn thành công tác thăm dò, phê duyệt trữ lượng để tiến hành làm các thủ tục xin cấp phép khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Mỏ đất hiếm Bến Đền nếu được khai thác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của nước ta nói chung cũng như kinh tế của Lào Cai nói riêng, từ đó góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.

Lời khẳng định của anh khiến tôi nhớ đến câu nói của đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Phong Thổ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trong chuyến thực địa của mình tại huyện này chừng 6 năm trước: “Bên cạnh diện tích đất có rừng lớn, Phong Thổ cũng là huyện có nhiều tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khá lớn như đất hiếm, đồng, vàng… là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp họ nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, ổn định cuộc sống”.

Vào thời điểm đó, đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc trong huyện Phong Thổ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,4%; thu nhập bình quân đầu người trên 10,5 triệu đồng; lương thực bình quân đầu người trên 460kg; 18/18 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, được phủ sóng điện thoại.

0c9dat-hiem-a1-1-.jpg
Lấy mẫu ở mỏ Nậm Xe

Lắng nghe những chia sẻ từ tôi, anh cho rằng, việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác đất hiếm đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người dân, đồng bào ở địa phương có đất hiếm có thể chủ động tự vươn lên xoá đói, giảm nghèo; thúc đẩy công tác xoá đói, giảm nghèo hiệu quả hơn.

Tuy vậy, Bến Đền mới chỉ là 1 trong số rất nhiều mỏ được nghiên cứu thăm dò để phục vụ khai thác. Để có bức tranh tổng thể về tiềm năng quặng đất hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo anh, cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản để khẳng định tiềm năng to lớn này.

Trăn trở về điều này, chúng tôi mong mỏi về một ngành nghề đất hiếm đặc thù, với những khu công nghiệp khai thác, chế biến công nghệ cao và đạt quy chuẩn môi trường giống như thành phố công nghiệp đất hiếm Việt Nam. Trong tương lai gần, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đất hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam để có quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế địa phương, góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, từ đó đạt được những thành tựu vượt bậc về xoá đói, giảm nghèo.

Ghi chép của Mai Đan