Triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 08:18, 30/10/2022
Trên 2,6 triệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 30.9, tổng số người tham gia bảo BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn toàn tỉnh là 2.684.179 người (giảm 52.687 người so với cuối năm 2021). Trong đó, số lượng người tham gia BHYT là 2.672.678 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85,3% dân số (bao gồm lực lượng vũ trang), thấp hơn 6,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (92%); số lượng người tham gia BHXH là 826.592 người, chiếm 48,5% lực lượng lao động (trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 815.091 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 11.501 người); số lượng người tham gia BHTN là 797.744, chiếm 45,4% lực lượng lao động.
BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt các công tác giải quyết và chi trả lương hưu, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, công tác thông tin, tuyên truyền; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành cũng được đẩy mạnh; triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan để kịp thời thu hồi nợ đọng BHXH, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết, quyết định về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đánh giá cao những kết quả đạt được, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua như tổng số người tham BHXH, BHYT, BHTN vẫn thấp hơn 52.687 người so với thời điểm 31.12.2021, một số địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp; một số cơ sở y tế có dấu hiệu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đúng quy định cho người lao động; một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, chưa có ý thức dự phòng bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình và gia đình, còn tư tưởng “lựa chọn ngược” chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT; công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa bảo đảm, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…
Mặt khác, tình trạng nợ bảo hiểm còn nhiều, một số công ty nợ bảo hiểm với số tiền lớn; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa có đời sống còn khó khăn nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; một số quy định, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và vận dụng không thống nhất, hoặc gây lúng túng, khó khăn trong triển khai thực hiện; chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, tuy có giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng sẽ dẫn đến thiệt thòi, khó khăn về sau khi họ ở tuổi nghỉ hưu, dẫn đến hệ lụy gánh nặng cho trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước trong tương lai.
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn đề nghị, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT; tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; nhất là tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 235-KH/TU ngày 28.12.2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8.7.2022 của HĐND tỉnh (Khóa X); rà soát, đối chiếu, thống nhất số liệu dân cư trên địa bàn tỉnh và thường xuyên cập nhật số liệu thống kê dân số để bảo đảm số liệu tổng hợp chính xác, hợp lý, mang tính pháp lý.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chế độ về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương pháp tiếp cận người tham gia. Tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin, giúp người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH. Theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động để có những giải pháp tuyên truyền kịp thời, góp phần ổn định tư tưởng trong xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu, rút ngắn quy trình xử lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa toàn diện trong việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” đến toàn thể người tham BHXH, BHYT nhằm công khai, minh bạch thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm đúng pháp luật, kịp thời, thuận tiện. Báo cáo, đề xuất BHXH Việt Nam sớm xử lý, thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa, bệnh BHYT tồn đọng. Tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm thu, chi hiệu quả và an toàn quỹ theo quy định của pháp luật; sử dụng quỹ đúng mục đích, kịp thời, đầy đủ, bảo đảm quyền lợi đối tượng thụ hưởng cũng như đáp ứng yêu cầu bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
Mặt khác, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; trong đó, tập trung rà soát, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp trốn đóng, nợ đóng gây thiệt thòi cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI, tránh trường hợp doanh nghiệp phá sản, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh kinh tế, phải dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ xử lý...