Tận dụng lợi thế trên Hồ Thác Bà
Xã hội - Ngày đăng : 15:03, 06/05/2019
Tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) nhiều hộ gia đình ở địa phương này đã bứt phá thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá giả từ nghề nuôi cá trên hồ. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Quỳnh ở thôn Ao Khoai. Nhìn khu nhà bè với 20 lồng sắt nuôi đủ các loại cá như nheo, chép, trắm cỏ, rô phi được đầu tư căn cơ của gia đình anh, ít ai biết trước đây gia đình anh Quỳnh là một trong những hộ nghèo của thôn.
Có động lực từ chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của tỉnh, được cán bộ huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, gia đình anh Quỳnh đã mạnh dạn đầu tư đóng lồng sắt để nuôi cá trên hồ Thác Bà. Cứ tích cóp đầu tư dần, từ 2 lồng cá ban đầu, đến nay, gia đình anh đã phát triển được 20 lồng cá, mỗi năm thu lãi bình quân trên 150 triệu đồng.
Xã Thịnh Hưng có 63 ha ao, đầm đang nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đặc biệt đã có trên 20 hộ phát triển nghề nuôi cá lồng eo ngách với diện tích trên 100 ha cho thu nhập ổn định. Cùng với tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhạy bén đưa các loại thủy sản có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi như cá lăng, cá trắm đen, chép lai, rô phi đơn tính, năm 2017 vừa qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản của xã đạt trên 200 tấn, tăng hơn 30 tấn so với năm 2016.
Hiện nay, Hồ Thác Bà có khoảng 1.300 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ; trên 3.000 ha diện tích đất trên đảo được nhân dân tận dụng để trồng rừng kinh tế. Xác định thế mạnh là kinh tế thủy sản và nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển thủy sản đang được tiếp tục triển khai thực hiện đã cho thấy hướng đi phù hợp, hiệu quả trong phát triển kinh tế của Yên Bình.