Giằng xé khai khoáng ở Tây Bắc

Khoáng sản - Ngày đăng : 21:41, 09/05/2019

(TN&MT) - Khai khoáng ở một số tỉnh Tây Bắc được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn thu ngân sách địa phương. Tuy vậy, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp gây nhiều tác động đến môi trường và xã hội.

Khoáng sản vùng Tây Bắc gồm các tỉnh miền núi phía bắc và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đa phần khoáng sản các tỉnh đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất. Tuy nhiên, vẫn còn bốn tỉnh là Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang diện tích đo vẽ bản đồ địa chất mới đạt từ 30 đến 50%.

Qua công tác điều tra, đánh giá và thăm dò đã phát hiện một số địa phương có hiện diện các loại khoáng sản giá trị như Lào Cai có quặng sắt, apatit, đồng; Lai Châu có đất hiếm, vàng, đồng; Bắc Kạn có mỏ chì, kẽm; Yên Bái, Nghệ An có đá vôi trắng; Hà Giang, Cao Bằng có quặng sắt, mangan.

40-1.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản tại Lào Cai (Ảnh: Bích Hợp)

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động chế biến, khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc hiện nay tương đối sôi động, nhưng chỉ có hoạt động khai thác ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng là có đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khảo sát của các chuyên gia cho thấy, tỉnh Yên Bái có trữ lượng đá vôi trắng hơn 110 triệu m3. Các cơ sở chế biến đá tập chung chủ yếu ở huyện Mông Sơn. Hoạt động khai thác, chế biến đá hoa của tỉnh đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần tích tích cực phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các tỉnh miền núi Tây Bắc còn tồn tại nhiều bất cập; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại nhiều địa phương trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị trên địa bàn. Đặc biệt, dưới tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

40-2.jpg
Khai thác cát trái phép trên dòng Nậm Rốm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Hà Thuận)

Trên thực tế, các điểm mỏ khoáng sản thường nằm ở vùng núi, 100% là người dân tộc tại các địa phương. Các hộ dân vùng núi sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Trong khi đó, hoạt động khai thác khoáng sản sử dụng chủ yếu các tài nguyên đất, nước và tài nguyên rừng mà cuộc sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào các tài nguyên này.

Bên cạnh đó, khói, bụi, khí thải, nước thải… của việc khai thác khoáng sản là một trong những tác nhân xấu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, hủy hoại môi trường nghiệm trọng. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp, đơn vị khai thác mỏ đưa người từ nơi khác đến làm thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt, đời sống văn hoá – xã hội, tình hình an ninh, trật tự bị ảnh hưởng, tại các địa phương có điểm mỏ.

Dẫu biết rằng, ngành khai khoáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của một số địa phương Tây Bắc nói chung và cả nước nói riêng. Song không phải vì thế mà thể đẩy nhanh tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Trên thực tế, có rất nhiều bài học đắt giá trong thời gian qua khi “nóng vội” phát triển kinh tế, nhiều câu chuyện đau lòng con người phải gánh chịu khi hiểm hoạ môi trường xảy ra nơi này hay nơi khác. Đã đến lúc ngành và các địa phương cần cân nhắc giữa được và mất trong hoạt động khai thác tài nguyên.

Bài và ảnh: Trần Hương - Nguyễn Nga