Huyện Điện Biên (Điện Biên): Cần sử dụng hài hòa tài nguyên đất với phát triển kinh tế
Đất đai - Ngày đăng : 17:21, 12/04/2021
Tuy vậy, việc người dân tự phát mở rộng diện tích trồng các loại cây này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng canh tác, dinh dưỡng đất, làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng. Câu hỏi đặt ra cho địa phương này là làm thế nào để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống mà vẫn đảm bảo tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả?
Trên địa bàn huyện Điện Biên hình thành một số cơ sở thu mua và chế biến sắn, dong riềng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Lúc đầu người dân bán cho thương lái, các cơ sở chế biến với giá 1.500 - 2.000đ/kg sắn; từ 2.000 - 3.000đ/kg dong riềng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình có xu hướng tự phát bỏ nương trồng ngô, trồng lúa… sang trồng cây dong riềng, cây sắn khiến sản lượng dong riềng, sắn vượt quá khả năng thu mua và công suất hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến. Điều đó dẫn đến tình trạng người dân bị ép giá, giá thành có lúc giảm quá nửa so với thời điểm ban đầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích trồng cây dong riềng, cây sắn trên địa bàn huyện là 3.740ha; trong đó diện tích trồng dong riềng là 825ha (chủ yếu ở các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang); diện tích sắn là 2.915ha trồng tại 22/25 xã trên địa bàn huyện (các xã có diện tích lớn nhất là: Núa Ngam, Mường Nhà, Na Tông). Bên cạnh việc phát triển kinh tế trước mắt thì việc người dân tự ý mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, cây sắn sẽ dẫn đến đất bị bạc màu, giảm năng suất cây trồng, sản xuất không bền vững do không thể tiếp tục canh tác hoặc thay thế loại cây trồng khác trong những năm tiếp theo dẫn đến nguy cơ giảm diện tích cây nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, chia sẻ: “Những năm qua, cây dong riềng và cây sắn là hai loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa bàn xã mà thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên hai loại cây này là loại cây trồng hại đất nhất trong các cây lương thực. Nếu trồng liên tiếp 3 vụ thì củ chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái và chỉ sau 2 năm đất sẽ bị hoang hóa, bạc màu. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mở rộng thêm diện tích đất trồng hai loại cây này”.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND huyện Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã tổ chức kiểm tra, đánh giá lại các diện tích cây dong riềng, cây sắn do người dân tự phát mở rộng diện tích những năm gần đây. Trên cơ sở đó, khoanh vùng, giữ ổn định diện tích trồng cây dong riềng, cây sắn theo chỉ tiêu kế hoạch. Giao cho các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, lựa chọn các giống sắn, dong riềng mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Xây dựng và tổ chức tập huấn quy trình canh tác bền vững cây sắn, dong riềng tại các xã có diện tích lớn, trồng tập trung, đạt hiệu quả. Đồng thời không mở rộng diện tích trồng hai loại cây này.
Ông Ngô Xuân Chinh cho biết: UBND huyện Điện Biên đã yêu cầu các xã phải đẩy mạnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cải tạo đất, đảm bảo đất phục hồi và có thể trồng được các loại cây trồng nông nghiệp khác. Người dân có thói quen không cải tạo đất dẫn đến chất lượng đất bị thoái hóa, bạc màu nghiêm trọng. Cùng với đó, huyện vẫn tích cực khuyến khích người dân trồng những loại cây truyền thống như: Lúa nương, ngô, đỗ tương… để chất lượng đất và kinh tế người dân vẫn được đảm bảo.
Ngoài ra, huyện cũng đang triển khai thực hiện thử nghiệm một số loại cây trồng mới như: Mô hình trồng cây Bạc Hà, cây Sa Nhân và thử nghiệm một nguồn liên kết để trồng và sản xuất cây khoai lang; chuyển đổi các loại cây trồng một vụ không hiệu quả sang trồng cây ăn quả hoặc trồng rau. Sau khi thực hiện triển khai thí điểm thành công một số loại cây trên thì UBND huyện mới có thể đưa ra những chương trình, kế hoạch cụ thể để cho người dân cùng triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.