Miền Trung: Sau bão lũ, người trồng hoa tất bật cho vụ hoa Tết

Xã hội - Ngày đăng : 16:10, 18/11/2022

(TN&MT) - Sau đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10 vừa qua, người trồng hoa tại miền Trung lại gượng dậy, tất bật chăm sóc vườn hoa để kịp phục vụ thị trường hoa tết Quý Mão 2023. Với họ, kỳ vọng lớn nhất chính là thời tiết thuận lợi để cây hoa phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, vui lòng người mua và đẹp lòng người bán.

Vực dậy sau thiên tai

Sau đợt mưa lũ lịch sử ngày 14/10, các vựa hoa Tết ở Đà Nẵng như Vân Dương (Hoà Vang), Cẩm Lệ đều bị thiệt hại nặng nề. Vườn cúc của gia đình chị Phạm Ngọc Thanh Tùng, nông dân trồng hoa tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng gần như bị ngâm toàn bộ trong nước lũ. Khi nước rút, gia đình chị phải sửa lại toàn bộ vườn hoa. Ngoài ngắt ngọn, bón phân, phun thuốc, gia đình chị Tùng đều phải tỉ mỉ canh từng chậu bông để sớm phát hiện các dấu hiệu “mắc bệnh” của cây.

hoatet1.jpg
Ngoài ngắt ngọn, bón phân, phun thuốc, người trồng hoa đều phải tỉ mỉ canh từng chậu bông để sớm phát hiện các dấu hiệu “mắc bệnh” của cây sau mưa lũ

Chị Thanh Tùng cho biết, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, đặc biệt là đợt mưa lũ hồi tháng 10 khiến cho nhiều chậu cúc vừa đơm vào chậu đã bị hư hỏng nặng. Hiện gia đình chị đang tích cực chăm sóc gần 2.000 chậu hoa còn lại mong bù đắp phần nào thiệt hại.

“Bên cạnh các dòng hoa chủ lực như cúc, mình còn trồng các loại hoa khác nhau để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Năm nay thời tiết bất thường, các chi phí cho giống hoa và phân bón đều cao hơn trước nên người dân cố gắng chăm sóc để cây phát triển đẹp, nở hoa đúng vụ và hy vọng mang lại thu nhập tốt cho bà con”- chị Thanh Tùng chia sẻ.

hoatet3.jpg
Thời điểm này, người dân đang "chong đèn" để thúc cho cây phát triển

Theo quy trình và kinh nghiệm trồng hoa tại Đà Nẵng, bắt đầu từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 cây được trồng vào chậu, để cây không đơm nụ sớm và có thể nở đúng vào dịp Tết, nhà vườn sẽ phải theo dõi cả ngày lẫn đêm và dựa vào kinh nghiệm để điều chỉnh thời gian "chong đèn" , bón phân và tưới tắn cho hợp lý. Bây giờ đang là giai đoạn thúc cho hoa lớn và chống sâu bệnh. Với họ, kỳ vọng lớn nhất chính là thời tiết thuận lợi để cây hoa phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, vui lòng người mua và đẹp lòng người bán.

Ông Hồ Đắc Lành, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng thông tin, năm nay diện tích trồng hoa Tết trên địa bàn quận vào khoảng 8 ha. Thời tiết năm nay có khắc nghiệt hơn mọi năm, đặc biệt là trận mưa giữa tháng 10/2022 đã ảnh hưởng đến quá trình tổ chức sản xuất của các hộ, do vậy mà thiệt hại chất lượng hoa cũng lên 30% .

“Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, ngành nông nghiệp Thành phố đang tích cực hỗ trợ nông dân. Trong đó, hỗ trợ các hộ trồng hoa về mặt bằng bán hoa dịp Tết; kết nối với các trung tâm thương mại, thương lái... để giúp người trồng hoa có thị trường tiêu thụ ổn định.”- ông Lành cho biết.

hoatet5.jpg
Giống chủ lực là hoa cúc, ngoài ra người dân còn có một số hoa khác để có thêm thu nhập

Kỳ vọng vụ hoa Tết

Làng hoa xã Nghĩa Hiệp được xem là thủ phủ hoa Tết ở Quảng Ngãi, cung cấp hoa khắp các tỉnh, thành miền Trung, đặc biệt là hoa cúc. Không còn tâm lý e dè vì dịch bệnh Covid-19, năm nay, nhiều nhà vườn ở đây đã mạnh dạn tăng sản lượng, có vườn tăng gấp đôi. Một số hộ, đầu tư lớn, trồng cả vài nghìn chậu.

Gia đình ông Trần Quang Trung thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp cũng đang bước vào thời điểm bận rộn, vừa phòng trừ sâu bệnh, loại bỏ các cây xấu, chậm phát triển, vừa vót các thanh tre để cắm choáy (đỡ và cố định các cây trong chậu hoa). Với số lượng khoảng 600 chậu/năm, gia đình ông Trung không mong gì hơn ngoài việc “mưa thuận gió hòa”, cây sinh trưởng tốt để gia đình có cái Tết ấm cúng, trọn vẹn từ vụ hoa Tết.

hoatet6.jpg
Người trồng hoa mong mưa thuận gió hòa để đón Tết thêm ấm no.

“Trồng hoa đầu tư lớn mà rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hiện tại, vườn cúc đang phát triển tốt. Từ giờ đến Tết còn khoảng 3 tháng nữa, nếu thời tiết ổn định như thế này thì hoa sẽ rất đẹp”- ông Trung kỳ vọng.

Ông Lê Tuấn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết, toàn xã có khoảng 1.000 hộ dân trồng hoa vụ Tết với diện tích trung bình mỗi hộ khoảng 500 m2, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Thới Bình, Hải Môn, Đồng Viên.

"Giống chủ lực là hoa cúc, ngoài ra còn có một số hoa khác như vạn thọ, hồng, mào gà… Kinh tế từ cây hoa cao hơn so với các loại cây, con khác. Đặc biệt, trồng hoa vụ Tết rơi vào thời điểm nông nhàn, rất thích hợp để bà con nông dân chăm bón hoa và kiếm thêm thu nhập. Năm nay, bà con mong chờ thời tiết thuận lợi, thị trường ổn định để có cái tết đầm ấm, no đủ” - ông Đạo chia sẻ.

Lan Anh