Bảo vệ tài nguyên, khoáng sản ở Quảng Ninh: Phát huy vai trò “người uy tín”

Khoáng sản - Ngày đăng : 07:52, 29/04/2021

(TN&MT) - Tân Dân là xã vùng cao vốn thuộc huyện Hoành Bồ cũ (nay sáp nhập về TP. Hạ Long), nhiều năm về trước, xã là một trong những “điểm nóng” thường xảy ra tình trạng chặt phá rừng và đào than trái phép.

Những năm gần đây, các cánh rừng đã xanh trở lại, không còn xảy ra việc chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, đạt được kết quả này là nhờ có sự đóng góp rất lớn của các “mo làng” (già làng) trên địa bàn.

Trên địa bàn xã Tân Dân có tài nguyên rừng, than, rất phong phú, cộng với địa hình đồi núi cao, hiểm trở gây khó khăn cho công tác tuần tra thực địa, địa bàn rộng và giáp ranh với các địa phương cũng đều có nhiều tài nguyên. Lợi dụng điều này, nhiều năm trước, một số đối tượng lén lút đào than, chặt phá rừng bán kiếm lời tại các khu vực giáp ranh, không phủ sóng nên việc kết nối thông tin liên lạc rất hạn chế. Vì vậy, mỗi khi phát hiện, việc xác minh chính xác ranh giới để xử lý gặp rất nhiều khó khăn. 

64-3-.jpg

Dưới tán rừng, Già làng Dương Du Minh chia sẻ về giá trị của những loài cây gỗ quý.

Để giữ rừng cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản, những năm qua, Đảng ủy xã Tân Dân thường xuyên quán triệt và giao trách nhiệm cho người đứng đầu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã khi để xảy ra việc chặt phá rừng, đào bới khai thác than, đất, đá, cát sỏi trái phép trên địa bàn, thì phải chịu trách nhiệm trước tập thể cấp ủy chính quyền và toàn thể nhân dân.

Tại thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân có 128 hộ dân, có tới 99% là các hộ dân tộc Dao. Già làng Dương Du Minh, người dân tộc Dao năm nay đã ngoài 80 tuổi chia sẻ, trước đây nhiều người xấu vì tham tiền đã đào than, chặt phá gỗ rừng mang bán kiếm lời, kéo theo các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, gây mất an ninh trật tự trong thôn, xóm. Để giữ màu xanh của những cánh rừng, Già làng Minh thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các con, cháu trong dòng họ, tiếp đến bà con trong thôn, xóm không đào than, chặt phá rừng, hủy hoại môi trường. 

64-2-.jpg

Già làng Dương Du Minh thường xuyên cùng lực lượng chức năng xã Tân Dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản.

Đi cùng với chúng tôi và lực lượng quân sự xã Tân Dân trong một buổi tuần rừng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng những bước chân của Già làng Minh vẫn sải nhanh thoăn thoắt bên dưới những tán rừng. Dừng chân nghỉ ngơi, Già làng Minh tâm sự, “Giữ được rừng là có tất cả, vừa bảo vệ dòng nước đầu nguồn, không lo lũ vào mùa mưa, vừa phát triển kinh tế gia đình, việc chặt phá gỗ, đào than chỉ đem lại cái lợi trước mắt, chỉ có làm kinh tế bằng cách trồng rừng lấy gỗ, chăn nuôi gà, lợn mới đem lại cuộc sống no đủ, ổn định đối với bà con trong thôn”. 

64-1-.jpg

Lực lượng quân sự xã Tân Dân thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, khoáng sản trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, ông Phạm Văn Sáu cho biết, để ngăn chặn triệt để tình trạng đào bới than, những năm gần đây, xã đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị sản xuất than trên địa bàn cũng như các địa phương giáp ranh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra hàng tuần, hàng tháng và đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tình trạng đào bới than tái diễn trái phép trên địa bàn. Đồng thời, phát huy vai trò, uy tín của các Già làng, Trưởng thôn trong việc vận động người dân, con, cháu trong dòng họ ký Cam kết tham gia bảo vệ rừng và không tham gia khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã không có tình trạng đào than, san lấp đất rừng, chặt phá rừng trái phép. 

Đánh giá về vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tại một số xã, phường trên địa bàn có nhiều khoáng sản than, nhất là các xã vùng cao vốn thuộc huyện Hoành Bồ cũ trước đây thường xảy ra tình trạng đào than trái phép. Những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tuần tra, xử lý dứt điểm tình trạng này. Trong đó, phải nhắc tới những đóng góp rất lớn của những Già làng, Trưởng thôn, Người có uy tín trong việc tuyên truyền, nhắc nhở bà con tham gia giữ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. 

Bài và ảnh: Phạm Hoạch