Nâng cao vai trò BHXH trong đời sống người lao động và doanh nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 06/10/2022

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa qua đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do Covid-19.

Hỗ trợ kịp thời

Tại phiên họp thảo luận a báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021 mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho hay, trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Tính đến ngày 31/12/2021, đã thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho hơn 2,7 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 365 nghìn lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 11 triệu NLĐ với số tiền giảm là hơn 1,9 nghìn tỷ đồng”, ông Hoan nói.

Cạnh đó, đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 346 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 11,3 triệu NLĐ với số tiền giảm đóng là hơn 2,1 nghìn tỷ đồng. Chi trả hỗ trợ bằng tiền cho hơn 12,9 triệu NLĐ với số tiền hỗ trợ khoảng hơn 30,8 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, “đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho NLĐ cho 1.387 lao động với số tiền khoảng 5 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH thông tin thêm.

bhxh-2.jpg
Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với NLĐ về việc triển khai kịp thời các gói hỗ trợ 

Cũng trong năm 2021, quỹ hưu trí và tử tuất đã thực hiện chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, tăng 4,01% so với năm 2020 với số tiền chi trả trong năm hơn 131,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020.

Số tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt hơn 5,84 nghìn tỷ đồng, tăng 7,22% so với năm 2020. Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là hơn 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2020.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo chi trả cho hơn 53,3 nghìn người hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng 3,92% so với năm 2020 với số tiền chi trả trong năm là 672 tỷ đồng, tăng 5,33% so với năm 2020. Số tiền chi trả trợ cấp một lần từ quỹ trong năm 2021 là 207 tỷ đồng, giảm 14,81% so với năm 2020.

Quỹ ốm đau, thai sản đã chi trả cho hơn 7,7 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền chi trả là hơn 25,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18,15% so với năm 2020.

Từng bước ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH

Trước những khó khăn do dịch Covid-19, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành BHXH đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHXH phù hợp, linh hoạt kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… nhắc nhở, đôn đốc, thông báo đối chiếu đến các đơn vị.

bhxh.jpeg
Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo đó, năm 2021 đã thực hiện 11.402 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 16.769 đơn vị trong lĩnh vực BHXH, tăng 42% so với năm 2020.

Qua đó, đã phát hiện hơn 14.000 lao động thuộc 2 nhóm phải tham gia nhưng chưa tham gia và đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là khoảng 92,8 tỷ đồng; gần 28.000 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là hơn 34,7 tỷ đồng.

Nhờ vậy đã khắc phục được khoảng 893 tỷ đồng (đạt 35%); yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,545 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra thì số lao động chưa tham gia, tham gia thiếu được phát hiện tăng 25% so với năm 2020; số lao động đóng thiếu mức đóng phát hiện được tăng 16% so với năm 2020; số tiền yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH do hưởng chế độ sai quy định tăng 82% so với năm 2020.

Ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, kết quả thanh tra, kiểm tra đã có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thu, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo vệ kịp thời quyền lợi cho NLĐ.

Đồng thời, nhận thức của các tổ chức, đơn vị, cá nhân được nâng lên, việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về BHXH có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp càng khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp, hỗ trợ người tham gia vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của các chính sách BHXH, thời gian tới, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam tiếp tục tận dụng nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến hiện có, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia.

Hồng Anh