Nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 28/10/2022

Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp là 12.518 tỷ đồng, chiếm 3,05% so với số phải thu. Trong 3 tháng còn lại của năm 2022, toàn ngành BHXH sẽ tập trung nhiều giải pháp, nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ).

Bám sát tình hình thực tiễn, nỗ lực cao

Cụ thể, theo BHXH Việt Nam, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là nhiều DN vừa và nhỏ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bị giải thể, phá sản, dẫn đến chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Theo đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 12.518 tỷ đồng, chiếm 3,05% so với số phải thu.

Trước tình hình đó, với quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã bám sát tình hình thực tiễn, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Nhờ đó, đã thu hồi 6.228 tỷ đồng tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. 

Trong đó, đã đôn đốc đơn vị chậm đóng kịp thời, quyết liệt, linh hoạt bằng nhiều hình thức: Trực tiếp tại đơn vị, gửi văn bản, email, điện thoại… Kết quả, đã thu hồi số tiền chậm đóng 3.802 tỷ đồng. 

thu-no-bao-hiem.jpg
Mạnh tay xử lý nợ đọng bảo hiểm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất; phối hợp phối hợp với các sở, ban, ngành như: Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công an, Thi hành án… Thông qua công tác thanh tra, đã thu hồi số tiền chậm đóng là 2.426 tỷ đồng.

Trong quý III/2022, BHXH Việt Nam cũng đã thành lập 8 đoàn công tác do lãnh đạo ngành chủ trì làm việc trực tiếp với các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu nợ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2022. 
Ngoài ra, lãnh đạo ngành cùng với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp tham dự và chỉ đạo tại hội nghị triển khai các giải pháp phát triển người tham gia những tháng cuối năm 2022 với các sở, ngành và UBND cấp huyện (tại Kiên Giang, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, An Giang, Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp, Kon Tum, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hà Giang). 
Phối hợp với các tổ chức dịch vụ tập huấn về chính sách BHXH, BHYT và kỹ năng khai thác phát triển người tham gia cho trên 32 nghìn nhân viên làm công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức dịch vụ…

Cũng theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu. 

Theo đó, nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, trong 3 tháng cuối năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp, gồm: 

Phân công lãnh đạo, cán bộ xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng nắm bắt hoạt động của đơn vị, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong đó tập trung các giải pháp đôn đốc rà soát dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hằng tháng về thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2022.

Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với DN nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho NLĐ.

Lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định tại điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Tháo gỡ công tác thu, phát triển người tham gia tại địa phương

Ngoài ra, về nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng cuối năm 2022, BHXH Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia tại địa phương; 

Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT gia đoạn 2022 - 2025; phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho các nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT từ ngân sách địa phương.

Tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị với giám đốc các sở, ngành liên quan và bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện để đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025. 

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan xây chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, trong đó giao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN đến cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đôn đốc thu giảm nợ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao; kịp thời nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, công khai danh tính các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hồng Anh