Tập trung giải quyết cơ bản đất sản xuất, đất ở cho đồng bào

Đất đai - Ngày đăng : 15:06, 11/03/2020

(TN&MT) - Giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy vậy, đến nay, công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, hầu hết hộ gia đình và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng dân tộc và miền núi gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao vẫn sống dựa vào rừng, một số nơi rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế, nguồn lực phân tán và chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng.

anh-trang-10.jpg
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Bên cạnh đó, về định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng hiện nay vẫn đang ở mức thấp thấp. Mức chi trả tiền khoán bảo vệ rừng trung bình là 400.000 đồng/ha/năm. Bắt đầu từ năm 2010, bên cạnh khoản tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, những người tham gia khoán bảo vệ rừng được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài khoản tiền mặt hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, người dân được phép thu hái một số lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ và lâm sản tỉa thưa trong giới hạn quy định. Với mức hỗ trợ từ 200.000 - 400.000 đồng/ha/năm, mỗi hộ gia đình khi nhận khoán rừng có thể thu được tối đa 12 triệu đồng từ khoán bảo vệ rừng, chưa kể nguồn thu từ lâm sản phụ và lâm sản ngoài gỗ.
Trong khi đó, theo thống kê tại Quyết định số 3322/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/7/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện trạng rừng toàn quốc, hiện quỹ đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý là gần 2,3 triệu ha, nếu chia cho 22 triệu người dân tộc thiểu số đang sinh sống, được khoảng 1,2 ha/người. Với mức khoán như hiện nay mỗi năm mức hưởng lợi từ rừng của người dân cao nhất cũng chỉ đạt khoảng ba đến bốn triệu đồng.

anh-trang-11-2-.jpg
Giải bài toán giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc

Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế, nguồn lực phân tán và chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng. Luật vẫn đang thiếu quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Công tác quản lý rừng dựa vào cộng đồng chưa hiệu quả. Chưa có quy ước quản lý, bảo vệ rừng và mức chi trả tiền công cho người dân bảo vệ rừng thấp nên chưa thu hút được sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được triển khai rộng rãi, thường xuyên đến người dân nên họ chưa thực sự có ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng nói chung.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, đã yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát.

Kết luận nhấn mạnh: đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Điều chỉnh cơ chế, chính sách, định mức khoán bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.

Thúy Nhi