Quảng Nam làm sạch nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:03, 22/05/2019
Tăng tần suất quan trắc
Ở hệ thống sông Vu Gia, chất lượng nguồn nước đạt yêu cầu ở các thông số hóa học như pH, DO, COD, NH4+, cyanua, dầu mỡ, kim loại Pb, Hg, Cd, dầu mỡ… So sánh qua các năm 2016, 2017 và 2018 thì nguồn nước biến động không đáng kể. Phần lớn các thông số ổn định và nằm trong giới hạn cho phép; trừ tình trạng ô nhiễm chất rắn lơ lửng (TSS) và kim loại sắt (Fe), coliform trong một số đợt quan trắc. Ngược lại, nguồn nước sông Thu Bồn có chất lượng thấp hơn sông Vu Gia, do nơi đây có sự tác động lớn của các hoạt động phát triển kinh tế phía bờ, tình trạng khai thác khoáng sản, ô nhiễm dai dẳng ở các nhánh sông chảy về.
Nguồn nước ở hệ thống sông Tam Kỳ tại các điểm quan trắc đều đạt chất lượng ở các thông số hóa lý, TSS, chất hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng, hóa chất cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và các kim loại (Fe, Pb, Hg, Cd). Chỉ có nồng độ clorua và coliform vượt giới hạn trong vài lần quan trắc. Nguồn nước sông Tam Kỳ chịu ảnh hưởng của các yếu tố nước thải từ khu đô thị và hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực lân cận. Điểm sáng môi trường nhất là ở các hồ thủy lợi, thủy điện. Hầu hết thông số về mặt hóa lý, vi sinh, kim loại, chất hữu cơ, dinh dưỡng và hóa chất độc hại đều nằm trong mức cho phép, đảm bảo cung cấp nước sạch.
Năm 2018, cơ quan quan trắc tăng cường mạng lưới quan trắc dưới đất ở các điểm có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An và Tam Kỳ. Các khu vực thực hiện quan trắc sau khi người dân có ý kiến và báo chí phản ánh. Sở TN&MT cho rằng, năm 2018, cơ quan quan trắc thực hiện 20 đợt quan trắc ở 20 vị trí dòng sông trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, quan trắc hơn 17 đợt môi trường nước dưới đất và nước hồ. So với các năm trước đây thì tần số quan trắc nguồn nước nhiều hơn.
Cần xử lý đồng bộ
Theo Sở TN&MT, năm 2018 cũng ghi nhận chất lượng nước biển ven bờ đạt mức cho phép ở hầu hết thông số hóa học. So với năm 2017, chất lượng nước biển ở các bãi tắm tương đối tốt, giá trị các thông số phân tích ít biến động và thấp hơn quy chuẩn cho phép. Riêng thông số sắt trong tháng 9 và 12 tăng vọt so với các tháng còn lại, vượt chuẩn cho phép, được xác định do tác động của quá trình xói lở của bãi biển gây ra.
Để giảm thiểu ô nhiễm vi sinh trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc giám sát chặt chẽ việc xử lý nước thải và xả thải của các nhà hàng, khách sạn, các khu dân cư đô thị, thương mại nằm dọc sông. Về biện pháp xử lý ô nhiễm sông Bồng Miêu, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh cho rằng, các ngành chức năng, chính quyền huyện Phú Ninh, xã Tam Lãnh cần giải quyết triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép tại các điểm nóng và nhanh chóng đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước dưới đất khu vực đô thị, theo Sở TN&MT, ngành sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân xử lý có biện pháp xử lý lắng, lọc, khử trùng, tẩy độc, tẩy phèn... nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước như COD, NH4+, coliform... khi dùng nước ngầm cho mục đích ăn uống, sinh hoạt; hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách bảo vệ nguồn nước dưới đất như kỹ thuật xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; khoảng cách an toàn khi khoan, đào giếng. Về lâu dài, quy hoạch, khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước; thực hiện quy hoạch và quản lý tốt nước thải thủy sản ven sông, nuôi tôm trên cát, xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ các khu dân cư tập trung.