Sản xuất nông nghiệp xanh ở huyện miền núi

Kinh tế - Ngày đăng : 08:51, 08/06/2020

(TN&MT) - Tại nhiều huyện miền núi Thanh Hóa, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Điển hình, tại huyện Cẩm Thủy, từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật gieo cấy vụ mùa, kỹ thuật chăn nuôi,... cho người dân. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân bỏ dần các giống lúa thuần chất lượng thấp để thay thế bằng các giống lúa mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, như: Lam Sơn 8, Thiên Ưu 8, DQ11... Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu, ngô, cỏ làm thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả...

cay-gai-xanh-tai-cam-thuy.jpg
Nhờ ứng dựng KHKT, Cẩm Thủy đưa cây Gai Xanh vào sản xuất đã đưa giá trị thu nhập tăng lên 3-5 lần so với cây trồng cũ

Nhờ ứng dụng KHKT, đưa các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã đưa giá trị thu nhập tăng lên 3-5 lần so với cây trồng cũ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn về nhận thức, vốn và phương thức chuyển giao giúp người dân làm chủ công nghệ.
Theo khảo sát, chưa nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất. Hầu hết, người dân vẫn sản xuất theo tập quán cũ, quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả năng suất thấp. Nguyên nhân do nhiều người dân vẫn lo ngại khi ứng dụng KHKT năng suất cây trồng cao nhưng sản phẩm lại khó tiêu thụ dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.
Huyện Như Thanh đã chú trọng chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con nông dân, điển hình như: xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó, người dân đã từng bước áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, đến khâu bảo quản và chế biến nông sản.

anh-5.jpg

Ngành nông nghiệp của huyện cũng chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHKT, như: Mô hình mạ khay, máy cấy; trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và trong nhà lưới...
Tại huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Quan Sơn, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động đưa giống lúa vào trồng tại xã Sơn Điện với diện tích 23 ha cho năng suất 2 tạ/sào, chất lượng gạo lại thơm, ngon bán với giá 28.000 đồng/kg (gấp đôi giá thị trường so với những giống gạo thong thường)
Đặc biệt, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Trong chăn nuôi, huyện đang chỉ đạo chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, áp dụng công nghệ sinh học, như: Hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa,... sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao...

anh-4(1).jpg
Mô hình trồng lúa Nhật Bản cho năng suất cao ở huyện Quan Sơn

Ông Vũ Hữu Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh cho hay: “Ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn đã tạo hiệu ứng tốt, làm “đòn bẩy” để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều, tập quán canh tác còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu KHKT có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng”.
Trước mắt, để nâng cao năng suất nông nghiệp, ngoài việc khuyến khích người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, tạo ra mối liên kết “4 nhà” thật sự chặt chẽ và hiệu quả.

Tuyết Trang