Bảo đảm đất đai cho đồng bào ổn định sản xuất

Đất đai - Ngày đăng : 16:38, 23/05/2019

(TN&MT) - Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, đặc biệt là giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

“Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào DTTS, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ”.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085/QĐ-TTg Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, nêu mục tiêu cụ thể là giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất.

Gần đây nhất, Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư số 02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 7/7/2017.

anh-2(2).jpg

Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Là hộ đồng bào DTTS (kể cả vợ hoặc chồng là người DTTS) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm…(thôn) đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Theo thống kê, ở nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,46% dân số cả nước. 53 dân tộc thiểu số (DTTS) còn lại chiếm 14,54% dân số cả nước, với hơn 13,38 triệu người cư trú chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, Điều 27 ghi nhận cần có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời, phải xây dựng chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

anh-1(3).jpg

Gần đây nhất, Luật Lâm nghiệp 2017 vừa có hiệu lực ngày 1/1/2019, kỳ vọng tạo bước tiến mới quan trọng trong thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên, góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng. Đã có quy định Khoản 6, Điều 4 Luật Lâm nghiệp 2017 là: “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất”.

Nước ta có khoảng 70% dân số là nông dân, 90% lao động người dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông, vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường Giang