Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng sông nước Cửu Long
Du lịch - Ngày đăng : 21:36, 22/06/2020
Đa dạng sản phẩm du lịch
Gần đây, các địa phương, doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái (Cần Thơ, Hậu Giang); nghỉ dưỡng (Kiên Giang); tâm linh, di tích lịch sử (An Giang, Bạc Liêu)... Từ đó các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hơn và mỗi địa phương đều có những sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Là trung tâm vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ là nơi có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để phát triển du lịch như: Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng cùng các điểm tham quan, du lịch cộng đồng sông nước, miệt vườn; đồng thời, TP. Cần Thơ còn là trung tâm đón tiếp và phân phối, điều phối luồng khách du lịch vùng ĐBSCL.
Với vị trí đó đã giúp ngành du lịch Cần Thơ phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, năm 2010, thành phố đón được gần 1,7 triệu lượt khách du lịch, đến năm 2019 số lượng khách du lịch đến với TP. Cần Thơ tăng lên gần 8,8 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2019 đạt trên 4.435 tỉ đồng.
Mặc dù, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang còn khá non trẻ nhưng địa phương vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch vì có các sản vật đặc trưng như: Khóm Cầu Đúc, bưởi năm roi, di tích lịch sử cách mạng và là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.
Thông tin với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Hậu Giang vể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong 5 năm qua, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang đã có nhiều khởi sắc, lượng du khách tìm đến với Hậu Giang tăng theo từng năm.
Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, ngoài khai thác các sản phẩm du lịch sẵn có, tỉnh Sóc Trăng còn hình thành sản phẩm du lịch mới là tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, từ đó, góp phần thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm. Cụ thể, năm 2019, Sóc Trăng đã đón 2,4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng gần 1 triệu lượt khách so với năm 2016, tổng doanh thu từ du lịch năm 2019 đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Tạo ra sản phẩm đặc trưng
Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển bền vững TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch cho biết: “TP. Cần Thơ với lợi thế là một trung tâm đô thị của vùng nên tập trung phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đô thị như: Du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm; du lịch kết hợp với mua sắm, vui chơi giải trí”.
Bà Nguyễn Thị Lý cho biết: “Hậu Giang đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đầu tư để phát triển ngành du lịch gắn với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa Hậu Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”.
Theo ông Phạm Văn Đâu, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội và kêu gọi đầu tư du lịch điện gió, du lịch biển; đồng thời, tỉnh Sóc Trằng cũng kết nối với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL và các địa phương trong cả nước để phát triển du lịch.
“Hoạt động du lịch vùng ĐBSCL chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hầu hết các địa phương tổ chức khai thác các sản phẩm tương tự nhau, dễ gây nhàm chán; đồng thời, khai thác những cái sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm, vì thế sản phẩm du lịch của vùng chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao”.
TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL