Nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã ở miền núi
Trong nước - Ngày đăng : 20:26, 24/03/2021
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ghi nhận vai trò quan trọng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với sự phát triển Hợp tác xã vùng DTTS&MN, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là đại diện cho quyền lợi của Hợp tác xã và xã viên; tạo nền tảng quan hệ sản xuất gắn kết; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Bên cạnh quan điểm đồng thuận về việc phối hợp giữa hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng trao đổi, làm rõ thêm về các căn cứ pháp lý, đồng thời khẳng định Liên minh Hợp tác xã có thể tham gia vào một số Dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia như: Phát triển nông nghiệp; tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp; phát triển nhóm dân tộc rất ít người; tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Phân tích về tình hình phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2019, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Kinh tế tập thể, Hợp tác xã vùng DTTS&MN giúp tạo việc làm, liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đóng góp GDP cho kinh tế địa phương và cả nước. Tuy vậy, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở vùng DTTS&MN còn phát triển chậm so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu các địa phương; hợp tác xã thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; vùng hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Sau khi nghiên cứu Nghị quyết số 88/2019/QH14 và các kết quả thống kê cho thấy, Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 là cơ hội để Hợp tác xã vùng DTTS&MN phát triển, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, chăn nuôi ở vùng này. Căn cứ tình hình phát triển Hợp tác xã vùng DTTS&MN, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Ủy ban Dân tộc - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 chỉ đạo xây dựng “Đề án phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030” nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 88/2019/QH14; đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị thường trực Tổ soạn thảo Chương trình Mục tiêu quốc gia điều chỉnh lại một số nội dung trong Dự thảo, đưa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham gia cùng thực hiện.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, dự kiến ký kết vào tháng 4/2020.
Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập mới 4.656 hợp tác xã và đến cuối năm 2019 có tổng số 11.558 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giao thông vận tải... trong đó, có 35 liên hiệp hợp tác xã, 61.471 tổ hợp tác.