Để đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận nguồn lực đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 20:23, 12/03/2020

(TN&MT) - Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phương án đã được đưa ra như hỗ trợ cho đồng bào khai hoang, san lấp, cải tạo, phục hóa đất sản xuất ở những khu vực còn quỹ đất cấp; hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp…

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), Nghị quyết số 24-NQ/TW đã chỉ rõ: “Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai Tổng cục đã thực hiện tích cực các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó, có dự án IF được hỗ trợ bởi Mekong Region Land Governance (MRLG), tài trợ bởi Cơ quan hợp tác Phát triển Thụy Sĩ (SDC), Cơ quan Hợp tác và Phát triển của Đức (BMZ) và Luxembour, được tổ chức thí điểm tại 12 xã, thuộc 6 huyện của 3 tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng và Vĩnh Long nhằm triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn về tiêu chí, nội dung, phương pháp theo dõi và đánh giá có sự tham gia của nhiều bên có liên quan đối với chính sách quyền tiếp cận đất đai đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu và chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

anh-trang-16.gif
Việc thực hiện tốt các chính sách về đất đai giúp cho đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất

Là một quốc gia nông nghiệp, đất đai đóng một vai trò nền tảng quan trọng đối với đời sống sản xuất của người nông dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Việc thực hiện tốt các chính sách về đất đai giúp cho đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, hạn chế tình trạng du canh, du cư đồng thời giúp người dân giảm nghèo một cách bền vững. Từ năm 2002 thông qua các chính sách của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định 132, Quyết định 134, Quyết định 74, Quyết định 29, Quyết định 1592 và gần đây nhất là Quyết định số 755/QĐ - TTg.

anh-trang-17.jpg
Tuyên truyền phổ biến giáo dục chính sách đất đai

Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư số 2/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, có đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm… (thôn) đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Đây là những chính sách quan trọng và cần thiết nhằm góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Theo thống kê, ở nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,46% dân số cả nước. 53 dân tộc thiểu số còn lại chiếm 14,54% dân số cả nước, với hơn 13,38 triệu người cư trú chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Một trong những vấn đề cấp bách là đưa ra các giải pháp hữu hiệu để người dân hưởng lợi từ các chính sách đặc biệt là chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất... cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Phương Nhi