Thanh Hóa: Nông thôn đổi mới nhờ phong trào hiến đất

Đất đai - Ngày đăng : 08:19, 10/03/2021

(TN&MT) - Những năm qua, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao của người dân cùng chính quyền địa phương các cấp, phong trào hiến đất làm đường giao thông tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã và đang phát huy hiệu quả. Việc làm tích cực này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Những năm trước, con đường nối giữa thôn Giáp với thôn Rầm Tám, xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vốn là con đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề và khó khăn khi di chuyển… nay đã được mở rộng và rải nhựa khang trang, sạch đẹp. Đó là nhờ công sức đóng góp không nhỏ của vợ chồng ông Lê Văn Thái, bà Nguyễn Thị Minh, khi họ đã không một chút mảy may “tiếc rẻ” và đắn đo thiệt hơn để hiến hơn 1.000 m², trong đó có 500 m2 đất ở để phục vụ cho việc mở đường liên thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện miền núi xứ Thanh.

36-1-.jpg

Giao thông tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã thuận lợi, không còn khó khăn như trước

Xác nhận sự việc trên, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Điền Trung cho biết: Trước tinh thần tiên phong và hành động cao đẹp khi hiến hơn 1.000 m² đất để mở rộng đường giao thông, tháng 9/2019, gia đình ông Lê Văn Thái được UBND xã Điền Trung tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, họ cũng là một trong số 5 hộ gia đình tiêu biểu của huyện Bá Thước được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích đóng góp trong Xây dựng nông thôn mới.

36-2-.jpg

Gia đình bà Minh ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m², trong đó có 500 m² đất ở

Tương tự, tại khu phố Xuân Thịnh, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, gia đình anh Lê Bá Nhất là điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường. Nhớ lại thời điểm năm 2017, khi địa phương thực hiện phong trào nông thôn mới, vận động khuyến khích người dân hiến đất làm đường, anh Nhất chia sẻ: “Tôi đã bàn bạc với vợ rồi quyết định hiến một phần đất lâm nghiệp chạy quanh đồi Rú mà gia đình đang sản xuất và 500 m² đất vườn để làm đường. Khi đó, gia đình tôi đã chủ động phá đi 220 cây cao su, 1 sào chè đang cho thu hoạch, khoảng 2,5 sào keo đang phát triển. Giá trị ước tính rơi vào khoảng hơn 100 triệu đồng và không nhận tiền bồi thường tài sản trên đất.

Nhờ vậy, con đường mới mở chạy cắt ngang qua khu vực đồi sản xuất của gia đình anh Nhất có tổng diện tích hơn 7.000 m², có chiều rộng chừng 5 m, dài gần 1,5 km, nằm giữa những đồi keo, nương chè đang vươn mình nảy nở. Trên đoạn đường, một số vị trí đã được đổ đá cấp phối, nhiều dấu vết bạt đồi để thi công đường vẫn còn nguyên, hiện rõ màu mới. Theo anh Nhất, con đường này khi hoàn thành sẽ nối thẳng đến trung tâm thị trấn Yên Cát, tiết kiệm được hơn một nửa quãng đường so với đi con đường cũ.

36-4-.jpg

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung đi đầu và tự nguyện trong phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông ở xã Hóa Quỳ

Cũng tại huyện miền núi Như Xuân, tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thôn Đồng Xuân, xã Hóa Quỳ. Gia đình bà đã tự nguyện hiến 68,2 m² đất thổ cư, xây tường rào vào trong để cho đơn vị thi công mở rộng lòng đường, xây dựng cống rãnh thoát nước, bồn hoa. Lan tỏa tinh thần đó, các hộ dân dọc 2 bên đường cũng “góp gạo thổi cơm chung” khi tự nguyện phá tường rào nhường đất cho đơn vị thi công.

Thực tế cho thấy, phong trào hiến đất làm đường giao thông tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có vai trò rất lớn để kết nối hệ thống giao thông nông thôn tới các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, tạo sự thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi thêm phần khởi sắc.                      

Thu Thủy