Định mức hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đất đai - Ngày đăng : 09:12, 10/03/2021

(TN&MT) - Thời gian quan, bám sát chủ trương của Chính phủ, việc thực hiện giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sinh sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đẩy mạnh.

Luật Đất đai năm 2013 và các Văn bản hướng dẫn thi hành đã có những nội dung đổi mới, quan tâm hơn đến việc bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số mà đất đó được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ thì Nhà nước thu hồi đất của người nhận chuyển nhượng.

Đồng thời, Nhà nước ưu tiên giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất thu hồi do vi phạm, quỹ đất thu hồi do bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất và quỹ đất bàn giao cho địa phương sau khi rà soát đất đai của các nông, lâm trường, của các công ty nông, lâm nghiệp.

35.gif

Nhà nước tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất.

Theo từng thời kỳ, từng đối tượng và khu vực, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách cụ thể về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ di dân tái định canh, tái định cư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể hóa việc này, định mức hỗ trợ về đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn được quy định tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư 02/2017/TT-UBD Thướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành, có hiệu lực từ ngày 7/7/2017.

Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất, điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất.

35.jpg

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương để xem xét giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách

Căn cứ vào quy định trên, các hộ gia đình khác thuộc danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng được quy định tại Điểm A, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 02 thì được hỗ trợ về đất sản xuất theo định mức do UBND quy định nhưng không vượt quá hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào quỹ đất có khả năng sản xuất được mà không cần phải thực hiện cải tạo đất; quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất được; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương để xem xét giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất; hướng dẫn các hộ trực tiếp khai hoang, phục hóa, cải tạo đất hoặc tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy định của pháp luật.

Thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 02, nhiều địa phương đã cụ thể hóa qua Quyết định của tỉnh như: UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2492 năm 2017 quy định hạn mức bình quân diện tích đất ở, đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sinh sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó có quy định cụ thể mức bình quân diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp được giao đối với hộ nghèo có từ 1 đến 4 nhân khẩu và đối với hộ nghèo có trên 4 nhân khẩu.

Thúy Nhi