Rộn rã Tết cơm mới của người Pa Cô

Văn hóa - Ngày đăng : 15:11, 23/02/2021

(TN&MT) - Đã từ bao đời nay, Tết Cơm mới của đồng bào Pa Cô là một nghi lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong đời sống, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người Pa Cô trên dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ…
25-2-.jpg
Người Pa Cô dâng lễ vật cúng trong Tết Cơm mới

Đồng bào Pa Cô sinh sống chủ yếu ở 2 huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Đa Krông (tỉnh Quảng Trị). Người dân cho hay, Tết Cơm mới còn được gọi là lễ Ada, là một lễ hội thiêng liêng để tạ ơn các vị thần linh phù hộ cho họ mùa màng bội thu, gia đình tràn đầy sức khỏe. Dù mất hay được mùa, hàng năm, người dân nơi đây đều dâng các sản vật nông nghiệp ngon nhất lên các vị thần linh.

“Lễ Ada diễn ra vào tháng Chạp, không có ngày tổ chức cố định mà phụ thuộc vào việc thu hoạch mùa màng. Khi hạt lúa trên rẫy đã được phơi khô, đóng vào bao trữ trong nhà thì các gia đình mới nghĩ đến việc tổ chức lễ Ada. Năm nay họ chúng tôi chọn rằm tháng Chạp để tổ chức...”, già A Kiêng Dung (Trưởng họ A Kiêng, làng Kêr 2, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) nói.

Theo phong tục truyền thống, cây lúa là đại diện cho tất cả các giống cây trồng đã cho bà con cái bụng được no ấm nên lễ vật dâng lên luôn có một đĩa cơm trắng được nấu từ những hạt gạo ngon nhất. Đặc biệt, lễ Ada không thể thiếu những cành hoa tre màu trắng (tâng họt) được cắm trên mỗi lễ vật và các tấm vải zèng để cúng thần linh. Sau nghi lễ cầu nguyện, bà con dân bản cầm hoa tre ném lên mái nhà Moong để cầu mong một năm mới bình an và đủ đầy lương thực…

25-1-.jpg

Lễ Ada còn là dịp để con cháu đi xa trở về đoàn tụ, quây quần bên gia đình

Thông thường, con cháu phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước 2 ngày để Tết được tổ chức chu đáo. Tết Cơm mới mang tính cộng đồng rất cao khi mọi người cùng góp các sản vật, nông sản về nhà trưởng họ làm lễ, chứ không làm lễ từng gia đình.

Trưởng làng Kôn Ngãi (84 tuổi) cho biết, làng có 8 họ tộc với 130 hộ dân, họ đã sinh sống ở vùng đất này nhiều đời nay. Ada là nghi lễ cúng tế thần linh, là ngày Tết vui tươi, nhộn nhịp của cộng đồng, thể hiện tính đoàn kết, gắn bó thiêng liêng giữa người Pa Cô và núi rừng.

Trong khoảng sân cộng đồng rộng chừng 100 m2, những cây gỗ lớn dài khoảng 1,2 đến 1,5 m được dựng lên làm cột trụ và được các trang trí công phu với các biểu tượng con người, bông lúa. Đây là sân hiến tế, mỗi họ (tộc) góp một con trâu bò, hoặc dê để làm lễ dâng lên các vị thần. Lễ vật tùy tâm, phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi tộc chứ không bắt buộc nhưng ít nhất, mỗi họ cần cúng 1 con dê hoặc bò. Cùng với đó, lễ vật không thể thiếu khác là tấm thổ cẩm của người Pa Cô.

Anh Hồ Quang Phú (ở khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vượt 80 km về cúng họ thay cho cha đã mất. “Khi bà con chọn xong ngày thì mình về cúng, xa mấy cũng phải về”, anh Phú tâm sự. Năm nay, anh Phú mang về một con dê để cúng họ.

Các già làng cho biết thêm, theo phong tục truyền thống, lễ hội Ada của đồng bào Pa Cô được tổ chức còn có ý nghĩa tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới.

Già làng Hồ Văn Hạnh (71 tuổi, ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới) là người có nhiều năm nghiên cứu về các lễ hội của đồng bào Pa Cô cho hay, Ada thường được người dân địa phương chia làm 2 lễ hội khác nhau là Ada và Ada Koonh. Nếu lễ Ada được tổ chức đều đặn hằng năm thì lễ Ada Koonh chỉ được tổ chức 5 năm 1 lần với các nghi lễ bài bản, trang trọng, gồm lễ tẩy rửa, lễ xua đuổi các linh hồn dữ, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng Xứ, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cỗ và nghi lễ tiễn khách.

Mỗi khi đến dịp Tết Cơm mới, người Pa Cô dù đi làm ăn ở khắp mọi miền đất nước đều trở về quê hương đoàn tụ, chung vui lễ hội. Trong không khí rộn rã, vui tươi, nam thanh nữ tú các bản làng diện những bộ trang phục được thêu dệt hoa văn độc đáo, cùng nắm tay nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng khèn với điệu múa zả zả, pơchiêngcoon, cầu nguyện cuộc sống bình an, sung túc, đủ đầy…

Văn Dinh