Tây Nguyên trăn trở một mùa khô hạn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:14, 23/02/2020

(TN&MT) - Hiện, Tây Nguyên đã thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng, lưu lượng nước chảy trên các sông, suối ở một số tỉnh đang ở mức thấp “báo động.

Phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, lượng mưa quý I/2020 ở khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ ở mức thấp hơn khoảng 15 đến 30% so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm trước. Hiện tại, lưu lượng nước chảy trên các sông, suối ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… cũng đang ở mức thấp. Nguyên nhân do hiện tượng El Nino xảy ra trước đó gây thâm hụt lượng mưa trong những tháng cuối năm 2019 và kéo dài đến thời điểm đầu năm nay.

t16(1).jpg
Người dân thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: MH

Nếu lượng mưa tiếp tục thấp, Tây Nguyên sẽ đối mặt với một năm nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán xảy ra cũng là lẽ tất yếu. Tại tỉnh Gia Lai, địa điểm thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng nhất nằm ở các huyện khu vực phía đông, nơi đang có hàng vạn hécta hoa màu của bà con nông dân.
Theo Đài khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, từ tháng 12/2019 đến hết tháng 1.2020, thời tiết phổ biến ở các khu vực là đêm không mưa, ngày nắng. Đáng chú ý, ở khu vực phía đông, suốt 1 tháng vừa qua trời không mưa. Chỉ mới những tháng đầu năm nhưng hiện dòng chảy trên các sông lớn như Krông Búk tại trạm Krông Búk, sông Krông Ana tại trạm Krông Ana đều thấp hơn 47% so với mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Ngoài ra, ở các sông, suối, vừa và nhỏ ở tỉnh này thì lượng dòng chảy cũng thấp hơn mức trung bình nhiều năm cùng kỳ từ khoảng 20 đến 40%. Đáng lo ngại hơn, đơn vị cũng đưa ra cảnh báo trong các tuần tới các huyện Krông Pắk, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột… tình hình hạn hán có thể xảy ra nhanh và gay gắt. Năm 2019, khu vực Tây Nguyên đã phải đối mặt với một đợt hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây.

t17(1).jpg
Hàng trăm hécta hoa màu không đủ nước tưới tiêu. Ảnh: MH

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pa, Gia Lai, hiện nông dân toàn đang gieo trồng vụ đông xuân 2020 với hơn 10.000ha, trong đó có hơn 2.000ha lúa bên cạnh các loại nông sản đặc thù khác của khu vực. Vừa qua, đơn vị cũng có nhận được cảnh báo về việc lượng mưa năm nay dự kiến sẽ thấp nên đã chủ động nhắc nhở bà con nông dân chú ý trữ nước để phục vụ tới tiêu trong mùa khô sắp đến. Hiện, toàn huyện đang có khá nhiều công trình thủy lợi như các hồ, đập để trữ nước nhưng bà con cũng không nên chủ quan, lơ là. Minh chứng rõ nhất đó là đợt hạn hán năm ngoái, toàn huyện có hàng trăm hécta hoa màu không đủ nước tưới tiêu.
Rút kinh nghiệm từ mùa khô năm 2019, một số huyện tại Đắk Lắk đã lên kế hoạch trữ nước, phòng một năm hạn hán khốc liệt có thể xảy ra. Năm 2019, huyện Buôn Đôn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi hạn hán. Người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nông sản không có đủ nước để tưới. Chúng tôi đã lên kế hoạch chống hạn từ đầu năm, hiện về cơ bản đã đủ lượng nước để tưới lúa nước, còn đối với những loại nông sản lâu năm thì sẽ trữ nước ở các hồ, đập để cung ứng. Hiện toàn huyện đang có 18 hồ, đập. Nếu thiếu nước, một số hồ, đập ở các huyện lân cận cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 800 công trình thủy lợi, trong đó có khoảng 50 trạm bơm và hơn 600 hồ chứa nước... phần lớn trong số đó vẫn đang hoạt động bình thường, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu nông sản cho bà con.

Bảo Trung