Người dân Trà Leng vui Tết trong nhà mới

Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 24/02/2021

(TN&MT) - Tết này, hàng chục hộ dân trong thảm họa sạt lở đất xảy ra vào tháng 10 năm ngoái ở xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được đón Tết trong ngôi nhà mới xây khang trang ở khu tái định cư. Trước Tết, ai cũng tất bật cho hành trình tái thiết, đón chờ một năm mới đủ đầy, đầm ấm hơn ở “làng mới” yên bình.
27-3-(1).jpg
Tết Nguyên đán 2021, 13 hộ dân ở Trà Leng được đón Tết trong những căn nhà mới

Ước vọng đến ngày được sống trong căn nhà mới đã thành hiện thực với bà con vùng sạt lở Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Ông Hồ Văn Đề, năm nay 86 tuổi, là một trong những người phải chịu sự mất mát lớn khi trong đợt thảm họa ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng vừa qua, nhà bị vùi lấp hoàn toàn, gia đình có 8 người thân bị vùi lấp nhưng chỉ có 3 thi thể được tìm thấy. Tuy nhà mới vẫn còn nhiều chi tiết chưa hoàn thiện, nhưng ông Đề và một số hộ đã dọn về.

Ông Đề xúc động kể, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và đồng bào cả nước, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. “Nay về nhà mới, con cháu mừng vui tập trung dọn dẹp nấu cơm ăn chung, tôi thấy rất ấm lòng. Vui rồi, có nhà là vui rồi… Có nhà rồi thì đi làm rẫy, trồng quế”, ông Đề nói.

27-2-(1).jpg
Tất bật hoàn thiện mặt bằng để bàn giao nhà mới cho bà con

Cùng niềm xúc động ấy, anh Lê Hồng Lợi (trú xã Trà Leng) đến giờ vẫn không tin rằng mình có nhà mới, ngôi nhà còn chắc chắn, an toàn hơn nhà cũ. “Sau lũ, nghĩ mình trắng tay rồi, tài sản mất sạch, bữa ăn còn phải dựa vào trợ cấp của Nhà nước, huống chi chuyện làm nhà. Nay có nhà mới, mình thấy ấm lòng và có hy vọng vào cuộc sống mới” - anh Lợi tâm sự.

Làng mới của nóc Ông Đề rộng 6 ha, cách làng cũ khoảng 5 km. Để phù hợp với phong tục tập quán của bà con, trước khi xây dựng nhà mới, chính quyền địa phương đã tham khảo, để chính người dân lựa chọn mẫu đúng theo mô hình nhà truyền thống. Ngôi nhà chính có 2 phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở bền vững lâu dài.

Cùng với nhà chính, huyện Nam Trà My xây dựng cho mỗi gia đình tái định cư một nhà bếp, nhà vệ sinh, đảm bảo chỗ ở mới của bà con có điều kiện sinh hoạt tốt hơn rất nhiều lần so với nơi ở cũ. Các hạng mục hạ tầng dân sinh thiết yếu như điện thắp sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt, trường mẫu giáo, đường giao thông liên gia… được gấp rút thi công để khôi phục sản xuất sau thiên tai. Nhà sinh hoạt văn hóa do cán bộ, chiến sĩ Quân khu V tặng đã được xây dựng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và làm nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong mùa mưa bão lớn.

27-1-(1).jpg
Vợ chồng ông Hồ Văn Đề phấn khởi với nơi ở mới

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, bên cạnh việc tìm kiếm những người còn mất tích, công tác ổn định chỗ ở và tạo sinh kế mới cho bà con đang được địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Huyện Nam Trà My đã chuyển hơn 160 tấn gạo cho 10 xã cung cấp cho các hộ dân ăn Tết và dự trữ trong mùa giáp hạt. Địa phương cũng dành một phần ngân sách để thăm hỏi các nhà bị sạt lở hoàn toàn.

“Địa phương đồng loạt xây dựng 79 căn nhà cho người dân bị mất nhà trong những đợt mưa lũ, sạt lở hồi tháng 10/2020. Trong đó, Trà Leng hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 căn tại làng Ông Đề, bàn giao ở Trà Mai 8 căn và Trà Vân 7 căn. Các hộ dân còn lại cố gắng ra Tết sẽ hoàn thành. Những hộ chưa nhận nhà trước Tết được bố trí ở trong những nhà tạm, được đảm bảo những điều kiện cần nhất để bà con đón Tết”, ông Trần Duy Dũng thông tin.

Sau những ngày đông giá lạnh, nắng ấm đã về với Trà Leng hòa cùng với gió làm tung bay màu cờ phấp phới trên những nóc nhà ở khu tái định cư, ghi dấu một cuộc “tái sinh” nơi miền rừng xanh thẳm. Cũng giống như người Trà Leng vậy, dẫu trải qua bao nhiêu giông bão nhưng niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp sẽ không bao giờ tắt…

Lan Anh