Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT phục vụ phát triển bền vững
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:16, 17/11/2022
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật về chuyển đổi số mà ngành TN&MT Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Ngô Quang Sự: Thời gian qua, Sở TN&MT Bình Dương luôn quan tâm tăng cường tin học hóa toàn diện các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành TN&MT, từ đó, giúp tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành. Đến nay, 100% thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, trong đó có 58 thủ tục cung cấp mức 4, thời gian thực hiện một số thủ tục đã giảm từ 1 đến 5 ngày so với quy định.
Sở TN&MT còn chú trọng thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu với nhiều dự án nhằm thiết lập một hệ thống thông tin thống nhất và xuyên suốt. Trong đó, tập trung triển khai các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn như: Cơ sở dữ liệu nền địa lý và cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng từ năm 2010, đưa Bình Dương là tỉnh đầu tiên hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, được cập nhật thường xuyên, liên tục cho tất cả 91/91 xã, phường và thị trấn, làm cơ sở hướng tới mục tiêu tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cấp, các ngành.
Việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu cũng được Sở TN&MT Bình Dương triển khai theo lộ trình của địa phương và Trung ương, đến nay, đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai và dữ liệu quan trắc tự động với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia do Bộ TN&MT quản lý. Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn chia sẻ công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên và môi trường đến với cộng đồng thông qua Trang thông tin điện tử của sở, Trung tâm IOC Bình Dương.
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu về thẩm định môi trường, về cấp phép nước mặt, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, cơ sở dữ liệu sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, cơ sở dữ liệu tài nguyên khoáng sản… trên địa bàn tỉnh cũng được Sở TN&MT Bình Dương triển khai xây dựng và cập nhật thường xuyên, từ đó, giúp công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở TN&MT ngày càng hiệu quả.
Hiện tại, Sở TN&MT Bình Dương đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định tại Quyết định số 2178/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT ngày 28/12/2015 quy định về kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai và tiếp tục chuẩn hóa cơ sở dữ liệu môi trường theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT.
PV: Xin ông chia sẻ những thuận lợi cũng như những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số ngành TN&MT Bình Dương?
Ông Ngô Quang Sự: Về thuận lợi, các cơ sở dữ liệu ngành TN&MT tỉnh Bình Dương được tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ khá sớm so với các địa phương khác. Đây chính là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường toàn diện tiến tới kết nối, phân tích, xử lý, dự báo, cảnh báo và chia sẻ thông tin tự động của ngành TN&MT phục vụ cho việc chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương.
Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động được đầu tư từ năm 2008, áp dụng công nghệ tự động hóa (AI) để theo dõi, giám sát trực tuyến toàn thời gian và tự động phân tích màu chất ô nhiễm, kết hợp với số liệu quan trắc để đưa ra các cảnh báo chính xác, kịp thời giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng xác định thời điểm và mức độ vi phạm (nếu có) và đưa ra những biện pháp chế tài phù hợp kịp thời răn đe các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Song, do địa phương tiên phong triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu khi hệ thống văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể, đầy đủ nên đến nay, một số cơ sở dữ liệu cần phải chuẩn hóa để phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT và Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.
PV: Vậy, Sở TN&MT sẽ có những giải pháp hữu hiệu nào để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số gắn với xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương, thưa ông?
Ông Ngô Quang Sự: Để đảm bảo triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành TN&MT phục vụ xây Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, Sở TN&MT Bình Dương tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của việc kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Bình Dương phấn đấu đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hóa, mang lại sự thuận tiện cho người dân; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; đồng thời, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; đảm bảo tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành TN&MT Bình Dương, như: Ứng dụng các công nghệ về Internet vạn vật (IoT), thị giác máy tính (Computer vision), xử lý ảnh (Image processing)… phục vụ thu nhận, truyền dẫn, xử lý thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tập trung ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới về tài nguyên và môi trường, như: dữ liệu lớn (Big data), kho dữ liệu (Data Warehouse), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh phục vụ yêu cầu quản trị, quản lý, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu và giải quyết các bài toán phức tạp của ngành TN&MT.
Đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu trong quá trình truyền, nhận, tích hợp dữ liệu, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp kỹ thuật mã hóa đường truyền thông tin dữ liệu đối với các dữ liệu mật, nhạy cảm theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai kế hoạch; đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm tích hợp, kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn, trên các nền tảng kết nối, liên thông các cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc trưng của từng loại thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tăng cường đào tạo, đào tạo lại về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; điều chỉnh chế độ tiền lương và các khoản hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại Sở TN&MT và các phòng, ban thuộc Sở nhằm thu hút lực lượng cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin về tài nguyên và môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!