G20 giữ vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:14, 17/11/2022

(TN&MT) - Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres vừa cho biết, với dân số toàn cầu hiện ở mức 8 tỷ người và đang tăng lên, việc các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) hành động hoặc không hành động sẽ rất quan trọng để xác định liệu mọi người có được sống trên một hành tinh hòa bình và khỏe mạnh hay không.

Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia, người đứng đầu LHQ kêu gọi khối hỗ trợ các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển bền vững, khủng hoảng lương thực và năng lượng trên toàn thế giới, cũng như chuyển đổi kỹ thuật số. Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra vào “thời điểm quan trọng nhất, bấp bênh nhất trong nhiều thế hệ”.

Đề xuất xây dựng Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu

Quan chức LHQ cho biết, sự chia rẽ về địa chính trị đang “châm ngòi” cho những xung đột mới và khiến những xung đột cũ khó giải quyết, trong khi người dân ở mọi nơi đang bị ảnh hưởng từ mọi hướng do BĐKH và chi phí sinh hoạt gia tăng. G20 là cơ sở để hàn gắn sự chia rẽ và tìm ra câu trả lời cho những cuộc khủng hoảng này.

16.jpg

Nước sông Chari và Logone tràn bờ ở N'Djamena sau mùa mưa lớn nhất tại Chad trong 30 năm. Ảnh: UNICEF

Tổng Thư ký LHQ đề cập tới việc G20 tạo ra 80% tổng lượng khí thải toàn cầu và BĐKH là thách thức của thời đại. Ông đã đề xuất xây dựng một Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu, tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi để kết hợp các nguồn lực và năng lực nhằm mang lại lợi ích cho mọi người trên hành tinh. Từ đó, các quốc gia giàu có và các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Hiệp ước này sẽ giúp chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, cung cấp năng lượng tổng thể, có giá cả phải chăng và bền vững cho tất cả mọi người. Theo Hiệp ước, G20 sẽ nỗ lực hơn nữa trong thập kỷ này để giữ cho mức độ nóng lên toàn cầu dưới 1,5oC.

Các nước đang phát triển cũng không thể tiếp cận nguồn tài chính cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), bao gồm xóa đói giảm nghèo và đầu tư vào y tế và giáo dục. Ông Guterres kêu gọi các nền kinh tế G20 áp dụng gói khuyến khích SDG nhằm cung cấp cho các chính phủ của Nam bán cầu các khoản đầu tư và thanh khoản, giảm nợ và tái cơ cấu.

Ngăn chặn nạn đói

Bên cạnh đề xuất các biện pháp để giải quyết vấn đề BĐKH, phát triển bền vững, Tổng Thư ký LHQ cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Qua đó, ông thúc giục hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Ông hy vọng, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sẽ được gia hạn, bởi thỏa thuận này có ý nghĩa sống còn đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Phát biểu với báo giới tại Bali, Indonesia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông Guterres cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận đã đạt nhiều tiến triển.

Trong bối cảnh thỏa thuận sẽ sớm hết hạn, Tổng Thư ký LHQ hy vọng, sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn… Theo ông, cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói và tình trạng gia tăng số người thiếu lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cùng các nỗ lực đảm bảo lương thực và phân bón của Nga tiếp cận được thị trường thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News