Hiệu quả bước đầu trong bảo vệ môi trường nông thôn ở Quảng Ninh
Môi trường - Ngày đăng : 09:45, 17/11/2022
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Quảng Ninh là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế- xã hội nhanh và có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, kéo theo sự phát triển nhanh, địa phương đang chịu áp lực đối với việc bảo vệ môi trường, nhất là khu vực nông thôn.
Để giải quyết những nguy cư về môi trường, một trong nhiệm vụ trọng tâm đó là nâng cao và tạo sự chuyển biến từ ý thức đến hành động của từng người dân đến các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn, phổ biến một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho đội ngũ cán bộ phụ trách môi trường của các tổ chức chính trị- xã hội, các sở ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hội nghị khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn khu vực miền Bắc.
Đồng thời, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được phát động, đặc biệt là phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân. Thông qua đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, thời gian qua, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện hiệu quả các tiêu chí các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng các mô hình thanh niên tự quản gắn với thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.
Qua đó, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đầm Hà đã tổ chức trên 4.000 buổi tổng vệ sinh, thu hút trên 30.000 lượt người tham gia, chỉnh trang được gần 100km đường, thu gom trên 234m3 rác thải, trồng trên 3.000 cây xanh và trên 50.000 cây hoa các loại, lắp đặt mới 291 thùng rác công cộng. Đến nay, 66/66 thôn, bản đã xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường, 99,8% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, 98,2% số hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
Hàng năm, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các chương trình quan trắc môi trường tỉnh định kỳ trên phạm vi 13/13 huyện, thị xã và thành phố theo mang điểm quan trắc trên địa bàn. Trong đó khu vực nông thôn có 21 vị trí quan trắc không khí xung quanh, 61 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt, 16 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ các mục đích khác, 52 vị trí quan trắc nước biển ven bờ, 23 vị trí quan trắc môi trường đất.
Hiệu quả từ việc bảo vệ môi trường
Một trong những mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt được tỉnh Quảng Ninh đặt ra đó là chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” với phương châm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp sạch, ngành dịch vụ, du lịch xanh thân thiện với môi trường.
Trao đổi với PV, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Như Hạnh cho biết, hàng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra. Cụ thể, giai đoạn 2016- 2021, Quảng Ninh đã dành gần 4.300 tỷ đồng cho kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, nạo vét cống rãnh, vệ sinh môi trường và triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề tài về môi trường.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà máy có phát thải lớn, nhà máy xi măng, nhiệt điện trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ. Đồng thời, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường nên mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn dần được hạn chế.
Công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đã có những chuyển biến đáng kể, môi trường nuôi trồng thủy sản được chủ động giám sát chặt chẽ. Điển hình như việc triển khai dự án khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, tại huyện Tiên Yên với mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gien nguy cấp, quý, hiếm. Trên cơ sở đó, từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với các quy hoạch khác và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh mở ra các ngành dịch vụ, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đội ngũ người lao động tại địa phương.
Cùng với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế xã hội lồng ghép với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn, Vân Đồn, nhằm khuyến khích cộng đồng người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phát triển kinh tế, giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng được Quảng Ninh quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, tỷ lệ che phủ rừng cả năm đạt 55%. Năm 2021, trồng rừng tập trung cả năm ước đạt 12.391 ha tăng 2.510 ha so với kế hoạch giao, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tăng 286 ha, rừng sản xuất tăng 2.224 ha. Năm 2022, thực hiện chương trình trồng 2.000ha rừng lim, lát, giổi, hiện nay, đã trồng được trên 1.276ha rừng gỗ lớn bằng nguồn vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chiếm hơn 60% diện tích rừng gỗ lớn trồng mới toàn tỉnh đến nay.
Có thể thấy, việc xã hội hóa trồng rừng gỗ lớn đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và tích cực, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của người dân trong sự nghiệp trồng rừng phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sống, cũng như tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của Quảng Ninh.
Với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả như trên sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy ngành kinh tế của Quảng Ninh phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả.