Doanh nghiệp Nhà nước tham gia giải quyết khủng hoảng xăng dầu

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 08:51, 17/11/2022

Trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung trên thị trường xăng dầu hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong điều phối, bình ổn thị trường xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn cung xăng dầu trong nước sụt giảm

Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đến nay xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân (đặc biệt tại các khu vực phía Nam) đóng cửa ngừng bán do nguồn cung khan hiếm, nguồn hàng nhập khẩu không dồi dào. Tình hình này đã gây áp lực lớn cho hệ thống kinh doanh, công tác điều hành, đảm bảo nguồn hàng trên thị trường.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào cuối tuần qua về vấn đề đảm bảo nguồn cung, điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Nguồn cung thế giới ngày càng khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua nguồn dầu lớn từ OPEC + và Nga trước hạn 25/11 khi phương Tây tiếp tục áp lệnh cấm vận lên Nga, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.

bai-11.jpg
PVOIL nỗ lực đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống phân phối để đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường

Mặt khác tỷ giá ngoại tệ có thể nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục thay đổi, tăng 0,75 điểm % trong tuần qua và dự báo sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới, lên đến đến ngưỡng 4,25% với USD và trên dưới 5% với đồng Euro, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Cuối cùng là việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cho vay và bảo lãnh của ngân hàng. Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là tại các thành phố lớn tập trung đông dân cư.

Cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường

Trong tình hình đó, nỗ lực chung tay với Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tích cực triển khai các giải pháp để cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường.

Trong tháng 10 vừa qua, sản xuất xăng dầu của Tập đoàn (không gồm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn) tháng 10 đạt 581,4 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch (KH) tháng, tính chung 10 tháng đạt 5,74 triệu tấn, vượt 9% KH 10 tháng và bằng 93% KH năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Bao tiêu sản phẩm lọc dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tháng 10 đạt 648 nghìn tấn, vượt 15% KH tháng, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ 2021.

6c0f738d8e61b1a72ca664a3d03e084d.jpg
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đang nỗ lực để tiếp tục tăng công suất

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trong tháng 10 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, liên tục ở công suất cao, với công suất trung bình đạt 107%. Lũy kế 10 tháng đầu năm, Nhà máy xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450 ngàn m3 so với khối lượng đã cam kết, tồn kho của Nhà máy thường xuyên duy trì ở mức thấp. Tháng 11, BSR lập kế hoạch nguyên liệu dầu thô cho công suất 107%, tuy nhiên với nỗ lực cung ứng tối đa cho thị trường, BSR đã và đang tiếp tục làm việc với các chủ mỏ, lãnh đạo Petrovietnam để có các giải pháp nhằm gia tăng nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như các giải pháp an toàn kỹ thuật liên quan cho Nhà máy để có thể tiếp tục tăng công suất.

Từ đêm 4/11 đến rạng sáng 5/11/2022, NMLD Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112%. Trong điều thời tiết thuận lợi, Nhà máy có thể tăng và giữ ổn định ở công suất 112% nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng thông tin, trong bối cảnh gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng lớn từ tỷ giá, nhưng thời gian qua Nhà máy đã nỗ lực tối ưu công suất để tăng sản lượng xăng cung cấp cho PVOIL, Petrolimex và các đầu mối khác, nỗ lực cung ứng cho thị trường khi nguồn cung hạn chế.

Trong tháng 11, 12, để đảm bảo sản xuất kinh doanh liên tục và hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL tiếp tục nỗ lực đảm bảo lượng hàng bán ra trong hệ thống, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: TP Hà Nội, TP HCM.

Để đảm bảo không bị đứt nguồn, PVOIL đã phối hợp với các nguồn cung trong nước (NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn), tận dụng các chuỗi giá trị trong Petrovietnam, đồng thời triển khai nhập khẩu xăng dầu theo phân bổ của Bộ Công Thương, sắp tới PVOIL sẽ nhập khoảng 60.000 m3 xăng dầu, để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường trong dịp cao điểm cuối năm 2022. “Hy vọng giá cơ sở, room tín dụng, chi phí khác sẽ được xem xét, tính vào trong những kỳ điều hành tiếp theo để giảm phần nào khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) chia sẻ.

Giữ vai trò điều phối

Đứng trước những căng thẳng của tình hình xăng dầu trong nước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã cùng chung tay khẳng định vai trò chủ đạo của DNNN trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Petrolimex đã luôn duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước.

Cùng với đó, nhằm bảo đảm nguồn hàng cho quý IV/2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến khoảng gần 3 triệu m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6733/BCT-TTTN ngày 28/10/2022.

photo1665735624.jpeg
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại Hà Nội phục vụ bán hàng 24/24h

Tại một số địa phương, tình trạng người dân dồn về các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex với số lượng tăng cao, lượng hàng bán lẻ tại một số nơi tăng đột biến như: Tại TPHCM, trong một số ngày tháng 10 sản lượng xăng dầu xuất bán tăng đến 2,4 lần so với trước đây; tại Hà Nội, có những ngày đầu tháng 11 lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình từ 35 đến gần 40% so với tháng 10.

Trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng nguồn cung của thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp Nhà nước đã cho thấy vai trò quan trọng trong nỗ lực chung tay, đồng hành cùng các bộ, ngành, Chính phủ để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách của xã hội, đất nước để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Tại Hà Nội, để giúp cho khách hàng có thêm nhiều thời gian mua hàng, Petrolimex đã thực hiện việc bán hàng 24/24 đến hết ngày 13/11/2022. Danh sách các cửa hàng xăng dầu được cập nhật tại hệ thống bản đồ trên website Petrolimex.com.vn và app Petrolimex (ứng dụng di động tải từ chợ ứng dụng Android và iOS). Bên cạnh đó, Petrolimex khuyến nghị khách hàng lựa chọn thời gian và địa điểm mua hàng phù hợp để hỗ trợ công tác bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex bảo đảm đúng quy trình với chất lượng phục vụ tốt nhất.

Đức Tâm