Quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:22, 10/03/2021
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), nước ta có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Xét lượng nước đến vào mùa khô, nước ta thuộc loại thiếu nước, một số khu vực khan hiếm nước. Chưa bao giờ tài nguyên nước trở nên quý hiếm như gần đây khi nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng trong khi nhiều dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt đồng thời nước sạch ngày một khan hiếm.
Hạn hán, thiếu nước diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững và BVMT chưa được bảo đảm ở nhiều nơi, nhiều vùng ở nước ta, đặc biệt trong những năm hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng: 1987 - 1988, 1997 - 1998, 2012, 2016, 2018, 2019 và đầu năm 2020...
Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, một số khu vực như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thuộc loại khan hiếm nước.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản... Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, tập trung hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.
Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều theo không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong 4 - 5 tháng mùa mưa, chiếm 75 - 85% tổng lượng mưa hàng năm, còn lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15 - 25%; cộng thêm tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước do hoạt động kinh tế - xã hội chưa được cải thiện, chưa có cơ chế kiểm soát nguồn gây ô nhiễm hiệu quả, các hoạt động khai thác rừng bừa bãi... là những nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn nước trên các lưu vực sông vào mùa khô.
Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém là nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt. Cùng với đó, mỗi năm, nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán… với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng.
Theo Bộ TN&MT, để bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng nguồn nước có hiệu quả, nhất là giảm ô nhiễm nguồn nước, các địa phương cần thực hiện các giải pháp cụ thể. Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các khu vực thường xuyên thiếu nước và bị xâm nhập mặn, để hạn chế khai thác nguồn nước ngầm.
Cùng với đó, có cơ chế phối hợp giữa các địa phương, địa bàn, các ngành để chia sẻ nguồn tài nguyên nước bảo đảm phục vụ sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh, cũng như sử dụng an toàn nguồn nước thải của các đô thị cho nông nghiệp, qua đó giảm bớt tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước.
Hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; giám sát việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục kịp thời, triệt để về ô nhiễm và lãng phí nguồn nước.
Bộ TN&MT đang tập trung tăng cường công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên nước theo chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, với tam giác phát triển "kinh tế - xã hội - môi trường". Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học trong điều tra, nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những quy định, nguyên tắc về bảo vệ, quản lý và khai thác nguồn nước có hiệu quả.