Bảo vệ “Đôi mắt Pleiku”
Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 11/03/2021
Điểm nhấn của phố núi Pleiku
Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ Tơ Nưng. Biển Hồ gắn liền với một truyền thuyết của người Jrai, truyền thuyết kể rằng: Làng Tơ Nưng xưa kia trù phú và đẹp lắm, dân bản sống yên vui, hòa thuận. Bỗng một hôm núi lửa ập xuống, vùi lấp làng Tơ Nưng. Những người sống sót khóc thương cho làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt đã chảy thành hồ, hồ giữ lại tên Tơ Nưng như kỷ niệm về buôn làng.
Biển Hồ là hồ nước ngọt nằm cách TP. Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt nên quanh năm đều trong xanh và là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả TP. Pleiku.
Biển Hồ gồm hai hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích. Biển Hồ nằm giữa một vùng núi cao, ở giữa có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ. Dải đất này uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn những hàng thông xanh mát mắt.
Cuối con đường được đặt một bức tượng phục chế Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15 m. Hai bên có các bậc tam cấp dẫn xuống sát mép hồ và đường hành lang dọc bờ hồ, để du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên nơi đây.
Cuối năm 2018, sau khi phục dựng tượng Quan âm và cải tạo Khu lâm viên Biển Hồ, nơi đây trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm và yêu thích. Mỗi ngày, Biển Hồ đón hàng trăm lượt khách du lịch, dịp lễ Tết lên đến trên 500 lượt khách mỗi ngày.
Biển Hồ được biết đến là hồ tự nhiên rộng và đẹp nhất Tây Nguyên, quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ, trong lành. Biển Hồ có từ lâu đời và gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân xung quanh, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Chứng kiến diện mạo của Biển Hồ thay đổi, từ một hồ nước còn hoang sơ, mộc mạc, đến hôm nay là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được tôn tạo, quan tâm, bảo vệ, anh Thiên - Trưởng thôn làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) không giấu được vui mừng: “Bà con dân làng rất vui mừng khi Biển Hồ được tỉnh Gia Lai cải tạo, bảo vệ đẹp như bây giờ. Bà con trong làng sẽ cùng chung tay, góp sức để bảo vệ Biển Hồ để nó ngày càng đẹp hơn”.
Phát triển thành Khu du lịch quốc gia
Biển Hồ được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1988 và được bình chọn là 1 trong 5 hồ nước đẹp nhất Việt Nam. Năm 2018, Biển Hồ nằm trong quần thể “Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya” được Chính phủ bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.
Để đưa di tích Biển Hồ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn và có tiềm năng trong tương lai, chính quyền địa phương và người dân tỉnh Gia Lai đều dốc lòng tham gia bảo vệ thắng cảnh này. Công tác vệ sinh môi trường cảnh quan, vệ sinh nguồn nước được đơn vị quản lý Biển Hồ thực hiện hằng ngày.
Anh Thiên - Trưởng thôn làng Ia Nueng cho biết: Trong các cuộc họp thôn, làng, ban thôn thường xuyên tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan Khu lâm viên Biển Hồ; tuyên truyền bà con không chặt phá, đốt rừng phòng hộ xung quanh Biển Hồ để bảo vệ nguồn nước, khí hậu và cảnh quan của di tích.
“Chúng tôi đã tuyên truyền đến bà con dân làng không đánh bắt cá bằng xung điện, rà máy, thuốc nổ, chỉ đánh bắt cá bằng lưới để không gây ô nhiễm môi trường, không làm tổn hại đến nguồn thủy sản trong lòng hồ”, anh Thiên bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thông tin: “Để bảo vệ nguồn nước, cảnh quan của Biển Hồ, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quy chế quản lý, khai thác di tích Biển Hồ. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân xung quanh khu vực di tích thắng cảnh Biển Hồ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt. Nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng thông, nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho hồ và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các hoạt động trên”.