Chia sẻ kết quả mới nhất trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 21:15, 16/11/2022
GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi, cho rằng hội nghị khoa học thường niên là hoạt động khoa học quy tụ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm chia sẻ các kết quả cũng như kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội, đồng thời, thảo luận về những thách thức thực tế gặp phải và giải pháp thích ứng có thể ứng dụng được vào thực tiễn.
Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, công tác phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong năm 2022, nhà trường đã nhận được 235 bài viết cùng những bài tham luận của các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong cả nước. Với quy mô phản biện kín, hội nghị đã chọn ra được 180 bài viết chất lượng, thông tin về nhiều lĩnh vực quan trọng như: Khoa học xã hội; Công nghệ thông tin, Hóa – Môi trường; Kỹ thuật tài nguyên nước – Thủy văn – Thủy lực; Cơ khí;… cùng nhiều lĩnh vực khác.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã trình bày những tham luận nghiên cứu, trong đó, có 3 báo cáo khoa học điển hình của ông Thom A. Boggard – Đại học Công nghệ Delft, Khoa Quản lý Nước, Delft, Hà Lan tham luận về “Thủy văn trượt lở đất: Từ Thủy văn đến áp lực nước lỗ rỗng và trượt lở đất khởi xướng”; GS.TS NCVCC Nghiêm Ngọc Minh – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày về “Khả năng phân hủy sinh học HYDROCACBON thơm đa vòng (PAH) của một số sinh vật phân lập tại Việt Nam”; PGS. TS Nguyễn Văn Minh – Khoa Kinh tế, trường Đại học Thủy Lợi có tham luận về “Tiền số và tác động của chúng tới hệ thống tiền tệ”; cùng nhiều báo cáo, tham luận khoa học của các tiểu ban chuyên trong Hội nghị.
Trong khuôn khổ báo cáo nghiên cứu khoa học, GS.TS Nghiêm Ngọc Minh đã trình bày bài tham luận đề cập đến ô nhiễm từ môi trường không khí, môi trường nước, đất, ảnh hưởng của ô nhiễm PAH, xử lý ô nhiễm PAH theo phương pháp phân hủy sinh học PAH và phân lập đối với khả năng phân hủy sinh học. Ảnh hưởng từ những sự ô nhiễm gây tác động đến môi trường, phá hủy hệ sinh thái và sức khỏe con người, liên quan các bệnh về hô hấp, ung thư.
GS.TS Ngọc Minh cho biết, vì vi sinh vật có khả năng sử dụng các chất độc hại từ các nguồn năng lượng, carbon,.. từ đó, có thể tự chuyển hóa được thành chất cacbonic và nước, rất an toàn cho môi trường. Phương pháp ứng dụng khoa học này đã áp dụng để xử lý tình hình ô nhiễm về sinh học, vi sinh vật quy mô lớn tại các tỉnh, địa phương như Quảng Ninh, Vũng Tàu xử lý về ô nhiễm tràn dầu; Phương pháp làm sạch tự nhiên… Như trong thực nghiệm mẫu vật nước thải lấy từ Khu công nghiệp nhỏ và vừa tại quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, nghiên cứu của Giáo sư phát hiện được khả năng phân hủy sinh học trực tiếp của vi sinh vật trong việc tự tái thiết lập lại năng lượng hoạt động, lành tính với môi trường, có thể áp dụng vào đời sống, thực tiễn.
Qua đó, có rất nhiều tham luận tham dự hội nghị đề xuất việc nghiên cứu, trong các lĩnh vực quan trọng của ngành như: “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải lưu vực sông Cái – Ninh Thuận trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội đến năm 2035”; “Ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu đến nguồn lưu vực sông Ba”; “Kinh nghiệm thu hồi đất ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”,… Từ đó, nhà trường tin tưởng thông qua Hội nghị Khoa học thường niên 2022, sẽ thúc đẩy công tác hoạt động Khoa học công nghệ, đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Thủy Lợi.