Thúc đẩy giảm thiểu các chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:14, 16/11/2022

(TN&MT) - Ngày 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP27 tại Sharm-el-Sheikh (Ai Cập), Hội nghị cấp Bộ trưởng về Liên minh về Khí hậu và không khí sạch (CCAC) nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn (Short-lived climate pollutants - SLCPs) đã diễn ra, nhằm đẩy mạnh hành động giải quyết các vấn đề về khí hậu và không khí sạch.

Hội nghị do ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu chủ trì, với sự tham dự của 40 Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu. Đây là cuộc họp cấp Bộ trưởng hàng năm của Liên minh CCAC nhằm đưa ra các định hướng chiến lược trong thời gian tới.

a-1.jpg
Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu (thứ  3 từ trái sang) phát biểu chủ trị Hội nghị

Ông John Kerry cho biết, việc giảm SLCPs (như khí mê-tan, HFC, các-bon đen) là giải pháp nhanh nhất giúp giảm nhiệt độ toàn cầu. Hoa Kỳ đang đầu tư 20 tỷ Đô la để kiểm soát khí mê-tan trong nước và CCAC là một đối tác quan trọng trong việc nâng cao mục tiêu giảm các loại khí nhà kính chủ yếu này hơn nữa.

Ông Kwaku Afriyie, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Ghana kêu gọi các nhà lãnh đạo có hành động và cam kết mạnh mẽ hơn nữa nhằm giảm các chất SLCP, bởi đây là một trong các giải pháp chắc chắn nhất để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Công bố các nghiên cứu mới

Tại Hội nghị, Cao ủy Liên minh Châu Âu về Năng lượng Kadri Simson đã công bố Báo cáo về Dự báo phát thải khí mê-tan toàn cầu, dự báo phát thải khí mê-tan tới năm 2030 theo kịch bản cơ sở do CCAC và UNEP xây dựng. Theo đó, lượng khí mê-tan trong bầu khí quyển đang tăng với tốc độ kỷ lục và đòi hỏi những hành động khẩn cấp hơn bao giờ hết.

Ông Alioune Ndoye, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Phát triển bền vững và Chuyển đổi sinh thái Senegal đã công bố Đánh giá tổng hợp của CCAC về Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu ở Châu Phi, do Liên minh Châu Phi, CCAC và UNEP xây dựng. Đánh giá cho thấy, các nhà lãnh đạo châu Phi có thể thúc đẩy giảm phát thải nhanh chóng trong 5 chủ đề, bao gồm: Giao thông, dân cư, năng lượng, nông nghiệp và rác thải. Qua đó, Chính phủ các nước châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe con người.

Các Tuyên bố nêu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng từ một số quốc gia đã công bố các cam kết tài chính mới đối với Quỹ Ủy thác CCAC và khuyến khích các quốc gia có khả năng thực hiện cam kết bổ sung. Riêng Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch CCAC dự kiến cung cấp 3 triệu đô la, sau khi có thông báo của Quốc hội và hoàn thành các thủ tục trong nước.

a-2.jpg
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở Báo cáo thường niên của CCAC giai đoạn 2021-2022, các Bộ trưởng khuyến khích các nước đang phát triển hưởng ứng kêu gọi của CCAC trong việc xác định các dự án mới tiềm năng, đồng thời, tái khẳng định cam kết hỗ trợ những cải cách sáng tạo, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. Các bên cũng chấp thuận đề xuât thành lập Ban Đánh giá kinh tế và công nghệ về khí mê-tan. Liên minh nhấn mạnh, ngành dầu khí sẽ cần đạt được mức giảm phát thải khí mê-tan nhanh nhất và sâu nhất để phù hợp với mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,50C vào cuối thế kỷ.

Liên minh các Bộ trưởng đã yêu cầu các đối tác CCAC hợp tác phát triển ý tưởng xây dựng một chương trình hoặc các hoạt động, bao gồm hợp tác và thỏa thuận khu vực, về hành động không khí làm sạch để khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng CCAC vào năm 2024.

Chia sẻ về Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 của Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã đưa ra yêu cầu và hành động cụ thể cho các ngành phải thực hiện để đạt được mức giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030, kèm theo đánh giá hàng năm. Ngành nông nghiệp – vốn chiếm hơn 60% lượng phát thải khí mê-tan ở Việt Nam - cũng đang nghiên cứu các hành động cụ thể sẽ thực hiện cho đến năm 2030. Ông Phạm Văn Tấn hoan nghênh mối quan hệ hợp tác của CCAC với Việt Nam trong quá trình này và nhấn mạnh, thành công chỉ có thể đạt được bằng nỗ lực tập thể. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những bước đầu tiên. Chúng ta có thể đi bao xa tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các quốc gia khác và các hỗ trợ nhận được.

a-3.jpg
Hội nghị có sự tham dự của 40 Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu

Liên minh về Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) do các nước Bangladesh, Canada, Ghana, Mexico, Thụy Điển, Hoa Kỳ đồng sáng lập năm 2012, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Mục tiêu nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong xử lý các chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn (SLCPs). Đây là các chất như mê-tan (CH4), HFCs, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tầng thấp, các-bon đen có nguồn gốc từ khói của các phương tiện giao thông, tàu thuỷ, máy bay, khu công nghiệp, đun nấu, đốt cỏ, rác và các phụ phẩm nông nghiệp… Tuy chỉ tồn tại trong không khí trong thời gian ngắn nhưng SLCPs cũng có tiềm năng nóng lên toàn cầu đáng kể (bằng khoảng 1/3 so với CO2) và có tác động lớn đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp.

Mục tiêu của Liên minh CCAC là thúc đẩy nỗ lực giảm SLCPs, trước hết tập trung vào giảm các chất mê-tan (CH4), các-bon đen, HFC để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.

Chu Thanh Hương (đưa tin từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)