Nghệ An: Hàng chục héc ta đất có nguy cơ bị nhiễm mặn vì công trình thuỷ lợi bị hư hỏng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:22, 16/11/2022

Theo xác nhận của UBND huyện Nghi Lộc, do 2 phai ngăn mặn bị hư hỏng nên nước mặn đã có nguy cơ xâm nhập vào khoảng 60ha đất sản xuất của xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) và phường Nghi Thu (Cửa Lò).

Theo lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc, phai (to hơn thì gọi là bara) giữ nước sát cầu Khe Đầm và phai giữ nước cầu Giằng thuộc xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc vừa qua đã bị đổ sập, sụt lún. Đây là những công trình thủy lợi quan trọng, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước và chống lụt cho 2 địa phương là huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Vì thế, việc 2 công trình thuỷ lợi nêu trên bị hư hỏng đã khiến cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị nhiễm mặn.

1.jpg
Phai chắn nước cần Khe Đầm bị hư hỏng nặng.

Theo tìm hiểu của PV, phai gần cầu Khe Đầm, xã Khánh Hợp có chức năng điều tiết nước, chống lụt cho các xã Nghi Phong, Nghi Thạch, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và các phường Nghi Thu, Nghi Hương thuộc thị xã Cửa Lò. Đồng thời, đây cũng là công trình ngăn mặn cho hàng chục héc ta đất sản xuất tại 2 địa phương này. Tuy nhiên, sau các đợt thiên tai vừa qua, một phần thân cầu và phai ngăn nước đã bị đổ sập, cuốn trôi nhiều bộ phận.

2.jpg
Hoàn lưu bão số 4 vừa qua đã khiến cho phai chắn nước này bị đánh sập, đứt gãy.

Theo quan sát, hiện phai đã bị hỏng 2 phai chắn nước; kéo theo 7 phai chắn nước còn lại cũng bị ảnh hưởng về kết cấu, các trụ cầu cũng bung ra, treo lủng lẳng, lòi bê tông cốt thép.

3.jpg
Bờ kè cũng bị đánh sập sạt lở sát vào công trình dân sinh.

Nước xói vào cũng làm sạt lở hàng chục mét kè bờ đê phía Đông, sát với công trình dân sinh, nguy cơ xói lở sâu vào đất liền vẫn có thể xảy ra khi có mưa và khi nước thuỷ triều dâng.

5.jpg
Khoảng 4 phai chắn nước bị sập hoàn toàn.

Theo lãnh đạo UBND xã Khánh Hợp cho biết: Phai cầu Khe Đầm bị hư hỏng, không còn khả năng điều tiết nước, nên lượng nước đổ mạnh vào phai cầu Giằng nằm cách cầu Khe Đầm khoảng 150 m về phía Nam, khiến phai cầu Giằng cũng bị gãy đổ. Riêng phai cầu Giằng có chiều dài khoảng 30 m, hiện nay đã bị sụt, gãy 6 chân trụ, dẫn đến kết cấu toàn thân cầu và các phai chắn nước còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thân cầu cũng bị gãy nham nhở.

4.jpg
Do bị gãy, sập nên phai cầu Khe Đầm gần như không còn tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt trong nhiều tháng nay.

Từ thời điểm xảy ra sự cố phai cầu Khe Đầm và phai cầu Giằng bị hư hỏng, nước mặn từ bara Nghi Tân (TX. Cửa Lò) liên tục tràn vào (dù vẫn còn một ba ra ở phía ngoài) diện tích đất sản xuất của địa phương.

6.jpg
Phai cầu Giằng cũng bị đổ sập nhiều trụ, nứt gãy thân cầu...

Theo thống kê, do 2 phai chắn nước và cây cầu bị hư hỏng nên nước mặn có thể xâm nhập vào khoảng 60ha đất sản xuất của 2 địa phương Khánh Hợp (Nghi Lộc) và Nghi Thu (Cửa Lò). Chính quyền và nhân dân đang rất lo lắng vì nếu không có phương án khắc phục sớm thì những diện tích đất này có thể phải bỏ hoang các vụ tới vì không thể gieo trồng được.

7.jpg
8.jpg
Nhiều diện tích đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn nếu như 2 phai bị hư hỏng nói trên không được sửa chữa, khắc phục kịp thời.

Ông Nguyễn Bá Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết thêm: "Phai cầu Khe Đầm và phai cầu Giằng bị hư hỏng từ đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 vừa qua. Sau khi sự cố xảy ra thì UBND huyện Nghi Lộc cũng đã có văn bản, hình ảnh gửi báo cáo với Sở NN&PTNT tỉnh và UBND tỉnh Nghệ An để xin phương án khắc phục cũng như nguồn vốn diện "cấp bách" để sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa thấy cấp trên hồi âm".

Đình Tiệp