Kon Tum: Người dân thoát nghèo nhờ quản lý, bảo vệ rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 08:33, 09/11/2022

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm qua không chỉ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, mà còn là công cụ đắc lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
20220921_105924.jpg
Cán bộ xã Đăk Hring thực hiện tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân được Nhà nước giao đất, giao rừng

Phát triển kinh tế từ rừng

Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều đổi thay về kinh tế-xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, yếu tố quan trọng là nguồn thu nhập ổn định từ việc được Nhà nước giao đất, giao rừng và tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã giúp người dân có điều kiện để phát triển hiệu quả các mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo.

20171024_100951.jpg
Chính sách chi trả DVMTR giúp rừng phát triển tốt về số lượng và chất lượng

Anh A Đêm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) cũng là một trong những hộ đã tìm thấy hướng phát triển kinh tế gia đình từ nguồn tiền DVMTR. A Đêm cho biết, gia đình anh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 7,4 ha rừng từ năm 2012, mỗi năm anh nhận được 5-6 triệu đồng tiền DVMTR.

Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao, hộ A Đêm đã kết hợp với các hộ dân được Nhà nước giao rừng trên địa bàn xã tự phân thành 4 tổ. Tranh thủ đi làm rẫy, các tổ sẽ thay phiên nhau đi kiểm tra rừng ở khu vực lân cận. Nhờ vậy, rừng được được kiểm tra thường xuyên, thời gian đi kiểm tra nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

“Rừng phát triển tốt thì tôi sẽ nhận được tiền DVMTR cao. Từ nguồn tiền DVMTR, tôi dùng một ít cho gia đình, còn lại thì mua giống mắc ca để trồng. Đến nay, vườn mắc ca của gia đình tôi đã trồng được 60 cây, trong đó có một số cây sắp cho thu quả. Tôi rất hi vọng vườn cây cho năng suất cao để gia đình tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh A Đêm chia sẻ.

Để phát huy hiệu quả bảo vệ rừng từ buôn làng, tháng 8/2022, xã Đăk Hring đã tham mưu UBND huyện Đăk Hà tiến hành giao 432 ha đất lâm nghiệp có rừng do xã quản lý trước kia cho 03 cộng đồng làng dân tộc thiểu số trên địa bàn quản lý, bảo vệ. Ông A Chim – Trưởng thôn Tu Ria Peng (xã Đăk Hring) cho hay: Cả thôn có 105 hộ đều là người dân tộc thiểu số. Sau khi được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 170 ha rừng, thôn đã tiến hành họp dân và tuyên truyền, phổ biến về quy chế hoạt động bảo vệ rừng theo cộng đồng để bà con nắm rõ.

“Thôn đã chia 4 nhóm, mỗi nhóm 15-18 hộ, luân phiên đi tuần tra rừng 2 tuần/lần. Tuy trước mắt chưa có tiền DVMTR, nhưng bà con vẫn tự nguyện bỏ tiền mua đồ dùng, dụng cụ đi tuần tra rừng. Bà con cũng nhận thức được là tiền DVMTR sau khi được nhận sẽ chia lại cho bà con và có tiền làm quỹ thôn, phục vụ hoạt động văn hóa, hội họp, cho vay, nên ai cũng vui mừng và phấn khởi”, ông A Chim nói.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Ngoài diện tích rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, hiện nay UBND xã Đăk Hring còn quản lý, bảo vệ 170 ha rừng. Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring cho biết, trước kia có tình trạng một số hộ dân ở xã khác lấn chiếm để làm rẫy. Sau khi được tuyên truyền thì hiện nay các hộ dân đã chủ động trả lại đất, không lấn chiếm nữa.

20201022_100636.jpg
Cán bộ xã, kiểm lâm và người dân cùng đi tuần tra, kiểm tra rừng

“Nhờ chính sách chi trả DVMTR, rừng đã có chủ thực sự, được bảo vệ tốt, không bị xâm phạm, giữ vững ổn định và chất lượng ngày càng cao. Tiền DVMTR là nguồn thu tuy không cao nhưng ổn định, hỗ trợ bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, toàn xã chỉ còn 95 hộ nghèo, chiếm trên 4%, giảm hơn 15% so với năm 2021. ”, ông Bình thông tin.

Tương tự, ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được các cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum và chính quyền địa phương hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, bà con đã học hỏi thêm nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp để phát triển kinh tế.
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm khẳng định, tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không những làm tăng diện tích rừng hiện có của xã mà còn giúp đời sống kinh tế của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đăk Trăm ngày càng được nâng lên, ổn định hơn.

Tỷ lệ hộ nghèo của xã Đăk Trăm đã giảm từ trên 30% năm 2016 xuống còn 20,5 % năm 2020. Các thôn, làng còn trích tiền thu được từ nhận khoán bảo vệ rừng để làm đường điện chiếu sáng, xây sân chơi tập thể, giúp bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Đời sống ổn định, bà con cũng yên tâm sản xuất và chủ động quản lý, bảo vệ rừng tốt để được hưởng tiền DVMTR nhiều hơn.

Năm 2021, rừng trên địa bàn xã Đăk Trăm đã tăng thêm 250 ha.
Ông Hồ Thanh Hoàng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum nhận định: “Từ khi chính sách chi trả DVMTR triển khai thực hiện, bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hạn chế tối đa việc phá rừng làm rẫy mà ý thức được rừng là của mình nên tự giác bảo vệ. Tiền DVMTR nhận được đã góp phần rất lớn giúp bà con chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương”.

         

Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện chi trả hơn 307.625,75 triệu đồng tiền DVMTR cho 31 chủ rừng là tổ chức; 76 UBND xã, thị trấn; 3.335 hộ gia đình, cá nhân và 62 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng; góp phần bảo vệ khoảng 378.272,94 ha rừng cung ứng DVMTR.

Quế Mai