Đổi mới hình thức tiếp cận thông tin cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Xã hội - Ngày đăng : 19:19, 15/11/2022
Hội nghị do đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành trực thuộc Trung ương; các thành viên trong Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng đề án; đại diện 19 báo, tạp chí tham gia thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các đơn vị của Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các ban ngành địa phương tại điểm cầu các tỉnh, thành phố vùng dân tộc (DTTS) và miền núi.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nêu nhiệm vụ của Hội thảo. Trong đó, cần đổi mới hình thức cung cấp thông tin cho phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS; cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù trong chính sách…
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Soạn thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Phó Ban thường trực Ban Soạn thảo bà Hoàng Thị Lề trình bày báo cáo tóm tắt đề án, nêu ra 2 mục tiêu cụ thể là tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Chia sẻ về nội dung cụ thể của dự án, đồng chí Hoàng Thị Hạnh cho biết: Các báo, tạp chí tham gia cung cấp thông tin, truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng ở vùng đồng bào DTTS theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào tôn chỉ mục đích của báo mình để đổi mới về nội dung. Việc thực hiện đổi mới này nhằm khắc phục việc đưa thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dàn trải…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng Đề án; làm rõ đường lối, chủ trương thông tin tuyên truyền theo Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án; mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể; đối tượng thực hiện Đề án; tập trung thảo luận về những giải pháp đổi mới nội dung ấn phẩm báo, tạp chí; đổi mới hình thức cung cấp thông tin; đa dạng các kênh phát hành đến đối tượng thụ hưởng... nhằm hoàn thiện đề án.
Tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu ở các tỉnh thành, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cho rằng, cần tập trung hơn nữa để xây dựng Đề án thành công. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì Ban soạn thảo, cơ quan Ủy ban Dân tộc cần tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh đề án. Cần nâng cao chất lượng báo chí, tạp chí cho các vùng đồng bào DTTS.