Thanh Hóa: Quản chặt khai thác khoáng sản để dự trữ tài nguyên cho tương lai

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:52, 22/05/2019

(TN&MT) - Tại tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây, hoạt động khai thác cát sỏi ở các dòng sông diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến các công trình đê điều, thủy lợi cũng như các khu dân cư ven sông, làm mất cân bằng dòng chảy và ô nhiễm môi trường.
68-1-(1).jpg

Sản xuất cát nhân tạo bằng đá nghiền giúp tiết kiệm tài nguyên. Ảnh: MH

Siết chặt khai thác cát, sỏi

Thông tin từ Sở Xây dựng, giai đoạn 2007 đến 2015, toàn tỉnh đã khảo sát, thăm dò, đưa vào quy hoạch khai thác 105 mỏ và 108 bãi tập kết cát sỏi; hiện đang cấp phép cho khai thác 33 mỏ và 58 bãi tập kết cát, sỏi.

Sở Xây dựng cũng mới triển khai “Dự án quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua khảo sát, thăm dò, toàn tỉnh có 106 mỏ cát, sỏi (phân bổ dọc 12 tuyến sông, suối thuộc 12 địa phương của tỉnh), 17 mỏ thuộc khu vực các lòng hồ thủy điện, 5 khu vực cửa sông cần nạo vét với trữ lượng cát nhiễm mặn khoảng 2,065 triệu m3 và 4 tuyến đường thủy nội địa cần nạo vét thông dòng với trữ lượng cát xây dựng khoảng 565 nghìn m3 được đưa vào kế hoạch khai thác từ nay đến năm 2030.

Bên cạnh đó, dự báo trữ lượng cát, sỏi bồi lắng hằng năm của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 23,4 triệu m3, có thể khai thác cho nhu cầu xây dựng phát triển xã hội. Xét theo mục đích sử dụng cát, sỏi cho giai đoạn từ nay đến 2030, ngoài trữ lượng cát bồi lắng, chỉ được khai thác tại 127 điểm mỏ và khu vực theo quy hoạch để làm vật liệu xây dựng công trình. Với cát, sỏi làm vật liệu san lấp, không được sử dụng cát xây dựng mà chỉ được tận dụng cát, sỏi bồi lắng của 5 khu vực nạo vét ở các cửa sông, cửa biển (Lạch Bạng, Lạch Ghép, Lạch Trường, Lạch Sung, Lạch Càn) với tổng trữ lượng dự báo khoảng 2,065 triệu m3 và trữ lượng bồi lắng ở các vùng cửa biển, cửa sông đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 triệu m3. Cùng với khai thác, trong 12 năm tới, theo kế hoạch mới này, toàn tỉnh cũng chỉ được tồn tại 98 bãi tập kết cát, sỏi với tổng diện tích 87,78 ha.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích nguồn cát, sỏi sẵn có cho từng giai đoạn, Sở Xây dựng còn đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng cát sỏi của tỉnh để có kế hoạch cân đối khai thác, tránh khai thác thừa thãi khiến nguồn cát, sỏi bị “tuồn” đi các tỉnh và nước ngoài. Theo đó, tổng nhu cầu cát sỏi làm vật liệu xây dựng toàn tỉnh cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 vào khoảng 51,83 triệu m3, trong đó: Nhu cầu từ nay đến năm 2025 khoảng 26,79 triệu m3; giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 25,04 triệu m3. Trong khi đó, tổng trữ lượng cát, sỏi được tính toán cho kế hoạch khai thác từ nay đến năm 2030 là 40,722 triệu m3. Như vậy, số cát thiếu hụt so với nhu cầu của toàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 11,108 triệu m3 sẽ được sử dụng bằng cát nhân tạo và các vật liệu thay thế.

69-1-(1).jpg
Việc khai thác cát tự nhiên sẽ được siết chặt. Ảnh: MH

Tạo điều kiện cho vật liệu thay thế

Hiện nay, việc sản xuất cát nhân tạo bằng đá nghiền đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1555/QĐ-UBND, ngày 27/4/2018 để phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện một số đề tài khoa học, trong đó có giao Sở Xây dựng Đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá nghiền của Công ty TNHH Phú Sơn ở huyện Nga Sơn và Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng Hà Liên tại huyện Nông Cống đều có công suất 150 tấn sản phẩm/giờ. Ngoài ra, nhiều dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ khác vẫn đang hoạt động hiệu quả. Việc sản xuất cát nhân tạo còn có tác dụng khác là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đá do một lượng lớn đá vụn bị vứt bỏ trong quá trình khai thác.

Qua thực tế cho thấy, cát nghiền từ đá có ưu điểm hạt đều, loại bỏ được tạp chất, hoàn toàn có thể thay thế cát tự nhiên nhưng giá thành lại rẻ hơn cát tự nhiên từ 10 đến 20 nghìn đồng mỗi m3. Hiện tại, 48 vùng nguyên liệu đá vôi trên địa bàn 23 huyện, thị xã, thành phố đã được khảo sát và đưa vào kế hoạch làm nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo đến năm 2030.

M. Chuyên