Giữ rừng... vì mục tiêu kép

Môi trường - Ngày đăng : 14:30, 09/02/2021

(TN&MT) - Đứng trên đỉnh Pha Đin, phóng tầm mắt hướng về Tuần Giáo (Điện Biên), ngọn núi Pu Huốt cao ngất là “chứng nhân” bao đời chứng kiến hàng vạn cây rừng ngã xuống... Nhưng nay nó trở thành thông điệp: Hãy giữ rừng để giữ ngôi nhà mình đang ở.

Chiều cuối năm rét ngọt, không gian bao trùm một màu trắng đục, sương bay là là vắt ngang cổ núi. Dưới chân Pu Huốt hoa dã quỳ nở vàng mê mải, rực lên những bông hoa chuối như những ngọn lửa hồng thắp sáng đêm đông. Đồng nghiệp tôi đi cùng hóm hỉnh: Nhìn những loài hoa dại ấy bừng lên trong màn sương giá rét làm cho cảnh vật bớt đi sự nghèo nàn và tẻ nhạt... giống như việc tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên được nâng lên là nhờ chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), làm sáng lên bức tranh tổng thể bảo vệ rừng ở nơi đây.

12-1-min.jpg

Rừng đã phủ xanh đồi trọc (ảnh chụp một góc huyện vùng cao Mường Chà)

Trong vài năm trở lại đây, người dân 11 huyện thị, thành phố của tỉnh Điện Biên đều được hưởng chính sách từ DVMTR. Các hộ dân và các cộng đồng thôn bản có diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ sau 5 năm được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên xác nhận có rừng sẽ được hưởng lợi từ chính sách ấy tùy theo lưu vực sông mà các thủy điện đóng máy. Trong các lưu vực sông Đà, sông Mã... và nhiều nhánh sông nhỏ khác, người dân lưu vực sông Đà đang được hưởng chính sách DVMTR với số tiền thủy điện ủy thác trả cao nhất, đơn giá bình quân từ 500.000 đồng/ha/năm. Và đến năm 2016 lưu vực sông Đà tăng lên đến 822.703 đồng/ha/năm.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Sở dĩ các hộ dân có diện tích rừng tại các lưu vực sông Đà được nhận tiền từ chính sách chi trả DVMTR cao do lưu vực sông này có 3 nhà máy thủy điện lớn, gồm: thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và nhà máy nước Vinaconex.

12-2-.jpg

Năm 2019, tỉnh Điện Biên đã thực hiện chi trả trên 200 tỷ đồng cho 2.551 chủ rừng phân bố trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Điên Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và Mường Lay.

Già làng Lùng Quang Trung, trưởng nhóm nhận khoán bản Cây Muỗm, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, chia sẻ: “Cộng đồng bản chúng tôi hợp đồng với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng đã được 5 năm. Nhóm chúng tôi bầu ra Ban Quản lý rừng cộng đồng và đại diện cho các thành viên trong nhóm ký hợp đồng với Ban Quản lý Khu Bảo tồn... Nói thật là không có rừng và chính sách DVMTR thì chắc là chúng tôi không biết làm gì để có cái ăn...”

12-3-.jpg

Nhiều thân gỗ to ở rừng Mường Nhé

Chính sách chi trả DVMTR đã tác động nhiều mặt đối với môi trường rừng và cuộc sống của người dân, cả về kinh tế - xã hội và môi trường; là nguồn lực để phát triển rừng bền vững.

Trong đó về mục tiêu kinh tế, chính sách chi trả DVMTR góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Về môi trường, chính sách chi trả DVMTR đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Đặng Thị Thu Hiền cho biết thêm: Chính sách chi trả DVMTR đã tạo thu nhập ổn định cho hơn 53.000 hộ dân tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó, người dân lưu vực sông Đà thu nhập trung bình đạt 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng với khu vực huyện Mường Nhé trung bình mỗi hộ dân có thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi năm, cá biệt, tại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, mỗi hộ đạt trung bình trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đã nâng lên 42,25% nhờ chính sách DVMTR. Đời sống nhân dân tại vùng được hưởng chính sách ngày càng được cải thiện, theo đó tình trạng lũ ống, lũ quét... giảm đi. Đó là nhờ ý thức của đồng bào đã được nâng lên.

Bài và ảnh: Trần Hương