Hỗ trợ hơn 1.200 đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang
Xã hội - Ngày đăng : 14:29, 14/11/2021
Phát triển kết nối vùng
Những con đường này sẽ kết nối 17 thôn của các xã Na Khê, Lao Và Chải, Đông Minh, Hữu Vinh, Ngam La và Du Già với huyện Yên Minh và các xã Lũng Táo, Sính Lủng với huyện Đồng Văn.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua cũng nhận định sẽ triển khai xây dựng thêm kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Trọng tâm là đề xuất xây dựng cao tốc, sân bay, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng… để phát triển kết nối vùng và tập trung nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn đến các thôn bản của địa phương. Do vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp là rất quan trọng.
Đây là một trong những hạng mục tài trợ và hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Nhật Bản. Hai bên đã hỗ trợ hơn 1.200 người dân tộc thiểu số nghèo có thu nhập sau khi sinh kế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, đóng góp vào việc kết nối giao thông giữa các khu vực khó đi lại trong vùng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, bên cạnh việc cung cấp thu nhập cho hơn 1.200 người dân để trang trải các nhu cầu thiết yếu và bắt đầu khôi phục sinh kế trong thời kỳ đại dịch, 19 tuyến đường được xây dựng thông qua Dự án sẽ hỗ trợ 8.000 người dân tộc thiểu số ở miền núi, bao gồm phụ nữ, người già và trẻ em, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế, thị trường và việc làm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
“Chúng tôi rất vui mừng khi nhận sự trợ giúp quý báu này và cảm ơn các nhà tài trợ, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ. Chúng tôi xin cảm ơn dự án đã mang lại cho chúng tôi con đường đi thuận tiện và hỗ trợ thu nhập cho bà con”, ông Phàn A Chẩu, trưởng thôn Nà Ngù, xã Ngam La, huyện Yên Minh đại diện cho các hộ dân hưởng lợi nói.
Hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19
Ngoài những hỗ trợ của Nhật Bản, UNDP còn huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác từ Quỹ tín thác đa biên (MPTF) để trợ giúp khẩn cấp cho 600 thành viên hợp tác xã dệt vải lanh ở Hà Giang khi các hợp tác xã này bị đóng cửa do Covid-19, trong đó mỗi người nhận 2,3 triệu đồng và các bộ dụng cụ bảo vệ cá nhân để phòng chống dịch.
Bà Chu Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Đây là một gói hỗ trợ rất hữu ích đối với những người nghèo bị mất việc làm do đại dịch Covid-19. Chúng tôi cũng đã tư vấn và hỗ trợ cho những phụ nữ nhận được hỗ trợ này về cách sử dụng hiệu quả hơn số tiền, chẳng hạn như mua cây giống, con giống và những thứ tương tự khác”.
Đánh giá nhạy cảm của UNDP đối với các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cho thấy, các hộ gia đình dễ bị tổn thương chịu tác động không đồng đều, đặc biệt là các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và phi chính thức. Thu nhập từ nông nghiệp và hoạt động du lịch đã giảm đáng kể do đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại, làm trầm trọng thêm các điều kiện vốn đã đầy thách thức mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang phải đối mặt.
Để phục hồi ngành nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Hà Giang cũng thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa. Tỉnh đã xây dựng lộ trình, kế hoạch để xúc tiến quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch và nông sản với du khách quốc tế và trong nước thông qua việc tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến, quảng bá tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Đồng thời, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển liên kết vùng với các tỉnh. Giới thiệu các không gian văn hóa truyền thống, đặc sản nông nghiệp của vùng tại các hội thảo, trang web, xây dựng các tua du lịch mới gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.