Sốt xuất huyết tăng mạnh, Hà Nội chỉ đạo tăng cường phòng, chống

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:53, 11/11/2022

(TN&MT) - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.

Ngày 10/11, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội thông tin về Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/11 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong 2 tuần (trước 3/11), số lượng mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô tăng nhanh, trên 1.200 ca/tuần. Số ca sốt xuất huyết năm 2022 đến nay ghi nhận 9.747 mắc, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,4 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (2.935 mắc, 0 tử vong); số mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm gần đây.

Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch.

Bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đổ phế thái, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ.

888.jpg
Số lượng mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô tăng nhanh, trên 1.200 ca/tuần. Ảnh minh họa

Sở Y tế Hà Nội tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát…

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo…

Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các nhà đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn thành phố bảo đảm thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường xây dựng và nơi ăn ở, sinh hoạt của công nhân…

Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm thực hiện tốt công tác vệ sinh tại nơi kinh doanh, sản xuất và nơi ăn ở, sinh hoạt của người lao động…

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội triển khai công tác thanh toán, chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và báo cáo, tham mưu cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND TP Hà Nội các nội dung vượt quá thẩm quyền.

Đối với người dân tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó thực hiện tốt công tác phòng, chống muỗi đốt; thực hiện chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt... và phối hợp trong công tác phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

* Thực hiện Chỉ thị số 20 của UBND TP; Công văn số 1431 của Bộ Y tế về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue. Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 4953/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội, là đơn vị thường trực, theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố; đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại.

CDC Hà Nội tăng cường giám sát dịch tễ bệnh, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triến khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Hỗ trợ chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã để nhanh chóng dập tắt các ô dịch đang hoạt động.

Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với phòng Y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phê thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các đơn vị chỉ đạo các Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã, phường kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy. Phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt, vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.

Thanh Tùng