Gỡ vướng triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Thời sự - Ngày đăng : 13:45, 11/11/2022

(TN&MT) - Sáng 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về một số vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án).
img_4195.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các Chủ đầu tư dự án thành phần hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế để phê duyệt bảo đảm tiến độ khởi công vào 31/12 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Chủ đầu tư, trong quá trình làm việc với các địa phương để có hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) và bãi đổ chất thải rắn xây dựng (bãi đổ thải), các địa phương đều vướng mắc về các thủ tục liên quan đến mỏ VLXDTT, bãi đổ thải cũng như một số vấn đề trong công tác GPMB.

Về các vướng mắc này, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, vướng mắc thứ nhất liên quan đến các mỏ VLXDTT (đất đắp) nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án giao cho nhà thầu thi công khai thác. Các địa phương chưa rõ thực hiện thủ tục thu hồi đất hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.

Vướng mắc thứ 2 là các thủ tục liên quan đến bãi đổ thải. Hiện nay, các Chủ đầu tư dự án thành phần đã có thỏa thuận với địa phương về vị trí, diện tích các bãi đổ thải sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, các địa phương cũng đang lúng túng trong việc triển khai GPMB khu vực bãi đổ thải hay chỉ đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất.

img_4175.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại cuộc họp

Vướng mắc thứ 3 liên quan đến vật liệu cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, công suất khai thác tại các mỏ tại khu vực ĐBSCL rất hạn chế và chủ yếu tập trung vào nguồn cát sông ở khu vực tỉnh Đồng Tháp, An Giang. Mặc dù, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để giải quyết nguồn cung cấp cát đắp cho dự án nhưng do khối lượng lớn và tập trung trong thời gian ngắn nên các địa phương đều chưa cân đối được, ngoại trừ tỉnh An Giang cam kết cấp 1,1 triệu m3 từ việc nâng công suất các mỏ đang khai thác.

Vướng mắc cuối cùng về hỗ trợ đền bù GPMB. Một số công trình quốc phòng không thuộc phạm vi GPMB và không vi phạm hành lang lộ giới đường bộ (trường bắn thuộc địa phận Hậu Giang), nhưng theo ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khi xây dựng tuyến cao tốc sẽ không đảm bảo an toàn khi bố trí sử dụng theo mục đích quốc phòng ban đầu và đề nghị bố trí kinh phí của dự án để hỗ trợ xây dựng một số hạng mục công trình nhằm đảm bảo an toàn. Các địa phương đều đang lúng túng trong việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành các dự án, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN&MT, đối với VLXDTT, bãi đổ thải, Bộ TN&MT sớm hướng dẫn các địa phương cụ thể và chi tiết hơn các thủ tục khai thác khoáng sản làm VLXDTT, bãi đổ thải phục vụ Dự án đảm bảo tính thống nhất để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với vật liệu cát khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN&MT chủ trì làm việc với tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số địa phương khu vực ĐBSCL để hướng dẫn tăng công suất các mỏ, tổ chức khai thác các mỏ đã quy hoạch, rà soát thủ tục để có thể khai thác cát tại một số vị trí cồn cát, ưu tiên cung cấp đủ cát theo tiến độ triển khai dự án để hoàn thành theo đúng chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Đối với cát biển để đắp nền đường, hiện nay, Bộ GTVT cũng đang chủ động nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường, nếu thành công, có thể sử dụng vào cuối 2023, vì vậy đề nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh nghiên cứu việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông để có thể khai thác vào cuối năm 2023.

Về thủ tục hỗ trợ đền bù các khu vực công trình Quốc phòng, Bộ GTVT đề nghị, Bộ TN&MT nghiên cứu sớm có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

img_4172(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét các điểm cần làm rõ trong các Văn bản của Bộ TN&MT về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Ngoài ra, về các vướng mắc liên quan đến môi trường, trong quá trình triển khai Dự án, cần tuân thủ triệt để các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định liên quan.

Đối với vướng mắc về vật liệu cát khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng đề nghị, cuối tháng 11, hai Bộ sẽ làm việc với các tỉnh An Giang và Đồng Tháp, sau đó, làm việc với tỉnh Sóc Trăng vì địa phương này có tiềm năng rất lớn về cát biển. Theo Thứ trưởng, đây là dịp có thể có kinh phí đánh giá tiềm năng cát biển nói chung, trước mắt phục vụ cho Dự án, sau này sẽ phục vụ cho việc san lấp và nhiều công trình khác.

Mai Đan