Biến đổi khí hậu khiến 50% thanh niên châu Phi cân nhắc kế hoạch sinh con

Thế giới - Ngày đăng : 10:25, 11/11/2022

(TN&MT) - Theo một cuộc thăm dò toàn cầu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện, biến đổi khí hậu đang buộc gần 50% thanh niên châu Phi phải suy nghĩ lại về kế hoạch sinh con của họ trong tương lai. Kết quả được công bố vào ngày 9/11, tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập.
image1170x530cropped-20-.jpg

Nhóm người trẻ tham gia cuộc khảo sát U-Report tại Bờ Biển Ngà. Ảnh: UNICEF

Những con số đáng quan tâm

Khoảng 243.512 thanh niên từ 163 quốc gia đã tham gia cuộc khảo sát của U-Report của UNICEF vào tháng 7 và tháng 8 năm nay.

U-Report là nền tảng kỹ thuật số hàng đầu của UNICEF nhằm thu hút giới trẻ và tăng cường tiếng nói của họ để thông báo các ưu tiên chính sách và chương trình, hỗ trợ ứng phó khẩn cấp và tăng cường các hành động vận động chính sách trong các vấn đề quan trọng đối với thanh niên. Thông qua cuộc thăm dò ý kiến, những người trẻ tuổi đã nhận được những câu hỏi liên quan đến thái độ của họ về biến đổi khí hậu, được gửi qua SMS và công nghệ nhắn tin nhanh.

Trên toàn cầu, 2 trong 5 tác động của khí hậu đã khiến họ phải xem xét lại mong muốn có con của mình trong tương lai. Mối lo ngại cao nhất ở các khu vực châu Phi, nơi gần một nửa số người được hỏi cho biết họ đang lưỡng lự trong việc đưa ra quyết định. Trung Đông và Bắc Phi chiếm 44%, trong khi ở Châu Phi cận Sahara là 43%.

Những người trẻ tuổi ở hai khu vực này cho biết, họ đã trải qua một loạt các cú sốc khí hậu, trong khi nhiều người khác cho hay, những cú sốc này đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thực phẩm và nước của họ và khiến thu nhập gia đình nhanh chóng cạn kiệt.

Các phát hiện khác từ cuộc khảo sát của U-Report bao gồm hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đã trải qua hạn hán hoặc nắng nóng khắc nghiệt, trong khi ¼ người được hỏi đã trải qua lũ lụt.

Ngoài ra, 2/5 người tham gia khảo sát cho hay, họ có ít lương thực hơn do biến đổi khí hậu, hầu hết trong số đó, 52% ở Châu Phi cận Sahara, tiếp theo là Trung Đông và Bắc Phi với 31%. 1/5 người tham gia khảo sát cho rằng việc tìm kiếm nước sạch ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Thậm chí, nhiều người đã cân nhắc việc chuyển đến một thành phố hoặc quốc gia khác vì biến đổi khí hậu, trong đó 70% người trả lời như vậy ở Trung Đông và Bắc Phi, và 66% ở Mỹ Latinh và Caribe.

Năm ngoái, tạp chí y khoa The Lancet (Anh) đã công bố một cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy gần 40% trong số 10.000 người được hỏi do dự về việc có con. Tỷ lệ này tương tự với cuộc khảo sát của UNICEF.

Lắng nghe và hành động vì giới trẻ

Không dừng lại ở những con số báo động trên, Giám đốc truyền thông UNICEF Paloma Escudero cảnh báo, chúng ta đang sống chung với những tác động của biến đổi khí hậu, chúng gây hậu quả vượt xa hơn cả lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt.

Đặc biệt, ở châu Phi, những người trẻ tuổi đang nhận thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với bản thân và những người họ yêu thương, và những tác động này đang thay đổi kế hoạch của họ trong tương lai. Bà Escudero cho rằng, tại COP27, các nhà lãnh đạo thế giới phải lắng nghe mối lo ngại này từ những người trẻ tuổi và có hành động ngay lập tức để bảo vệ họ.

UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng khẩn cấp về khí hậu, không chỉ thông qua việc giảm nhanh lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà còn bằng cách điều chỉnh các dịch vụ xã hội quan trọng mà công dân là những người trẻ tuổi phụ thuộc vào. Đồng thời, cơ quan này nhấn mạnh, các biện pháp thích ứng, như tạo ra các hệ thống nước chịu được lũ lụt và hạn hán, sẽ cứu sống nhiều người.

UNICEF cũng kêu gọi các chính phủ tìm ra các giải pháp để hỗ trợ những người đang đối mặt với những tổn thất và thiệt hại do khí hậu, vượt ra ngoài giới hạn của những gì cộng đồng có thể thích ứng và thu hẹp “khoảng cách tài chính” nhằm giải quyết những thay đổi không thể đảo ngược này.

Bà Escudero nhấn mạnh: “Vì lợi ích của những người trẻ tuổi, thành công tại COP27 phải tính đến việc cung cấp nguồn tài chính đã cam kết từ lâu để giúp cộng đồng thích ứng và phát triển các giải pháp ứng phó với tổn thất và thiệt hại”.

Tại COP26 ở Scotland (Anh) năm ngoái, các nước phát triển đã đồng ý tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho thích ứng lên 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025. Năm nay, họ phải đưa ra một lộ trình đáng tin cậy cho cam kết này, như một bước cơ bản để cung cấp ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho việc thích ứng vào cuối thập kỷ này.

Mai Đan